Giải quyết khiếu nại về đăng ký bảo hộ giống cây trồng như thế nào?

(SHTT) - Dưới đây là một vài vấn đề giải quyết khiếu nại trong đăng ký bảo hộ giống cây trồng theo Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28 tháng 02 năm 2013.

Câu hỏi: Xin hỏi, tôi có đăng ký mẫu giống cây trồng mới do chính tôi nghiên cứu lai tạo. Tuy nhiên, có người giúp việc cho tôi, giờ đứng ra làm đơn khiếu nại. Vậy bao giờ việc bảo hộ của tôi được giải quyết? Chứ không lẽ chỉ vì một lá đơn vu vơ mà tôi phải chờ đợi? (Huỳnh Trung Thông-Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).

Trả lời: 

Đã có rất nhiều trường hợp tương tự vấn đề bạn nêu; tuy nhiên, cơ quan chức năng đã lường trước tình huống này, nên tại Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28 tháng 02 năm 2013 hướng dẫn về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng đã chỉ rõ như sau:

Điều 5. Xử lý ý kiến phản đối của người thứ ba

1. Kể từ ngày đơn đăng ký bảo hộ được công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới hoặc Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến trước ngày ký quyết định cấp Bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền gửi ý kiến phản đối đến Cục Trồng trọt về quyền đăng ký, quyền ưu tiên, điều kiện bảo hộ và những vấn đề khác liên quan đến việc chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

2. Ý kiến phản đối của người thứ ba phải được làm theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này, kèm theo thuyết minh về căn cứ, lý do phản đối, các chứng cứ khác (nếu có) gửi về Cục Trồng trọt.

Trình tự, thời gian giải quyết:

a) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của người thứ ba, Cục Trồng trọt thông báo cho người nộp đơn đăng ký bảo hộ;

b) Người nộp đơn đăng ký bảo hộ có trách nhiệm trả lời bằng văn bản tới Cục Trồng trọt trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo của Cục Trồng trọt;

c) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn đăng ký bảo hộ, nếu thấy cần thiết, Cục Trồng trọt có thể tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người thứ ba và người nộp đơn đăng ký bảo hộ hoặc thông báo ý kiến phản hồi cho người thứ ba;

d) Người thứ ba có trách nhiệm trả lời bằng văn bản tới Cục Trồng trọt trong thời hạn tối đa là ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo của Cục Trồng trọt;

đ) Trường hợp có đủ căn cứ kết luận ý kiến của người thứ ba là không có cơ sở: trong thời hạn là mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến trả lời của người thứ ba, Cục Trồng trọt phải thông báo cho người thứ ba về việc từ chối xem xét, có nêu rõ lý do;

e) Trường hợp chưa đủ căn cứ kết luận ý kiến của người thứ ba là không có cơ sở: trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến trả lời của người thứ ba, Cục Trồng trọt thông báo để người thứ ba yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ra thông báo, nếu không nhận được trả lời bằng văn bản của người thứ ba về việc đã nộp đơn cho Tòa án thì Cục Trồng trọt coi như người thứ ba đã rút bỏ ý kiến phản đối. Nếu nhận được trả lời của người thứ ba, Cục Trồng trọt tạm dừng việc xử lý đơn đăng ký bảo hộ để chờ kết quả giải quyết tranh chấp của Tòa án. Sau khi nhận được kết quả giải quyết của Tòa án, việc xử lý đơn đăng ký bảo hộ sẽ được tiến hành phù hợp với kết quả đó và thông báo bằng văn bản cho người thứ ba trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc.

Điều 6. Giống cây trồng được biết đến rộng rãi và tính mới của giống cây trồng

1. Giống cây trồng cùng loài với giống đăng ký bảo hộ được coi là giống cây trồng được biết đến rộng rãi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó đã được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;

b) Giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc được công nhận sản xuất thử, công nhận chính thức hoặc có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào;

c) Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới hoặc đơn đăng ký khảo nghiệm hoặc đơn đăng ký công nhận giống cây trồng mới tại Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.

2. Giống cây trồng được coi là không còn tính mới và không đủ điều kiện được đăng ký bảo hộ sau mười hai (12) tháng kể từ ngày giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thanh Bình