Bằng sáng chế của Apple tiết lộ về tai nghe earbuds mới tích hợp cảm biến sinh trắc học

(SHTT) - Apple mới đây đã công bố một bằng sáng chế tiết lộ hãng công nghệ này đang nghiên cứu việc sử dụng các cảm biến sinh trắc học trong tai nghe earbuds. Mẫu tai nghe này được kỳ vọng có thể đo nhịp tim, thể tích máu, nồng độ VO2 tối đa, nhịp hô hấp và chỉ số căng thẳng.

Những thông tin được tiết lộ từ bằng sáng chế mới này cho biết các cảm biến sinh trắc học được tích hợp trong tai nghe earbuds sẽ được tiếp xúc với vành tai để thực hiện các phép đo sinh trắc học. Một trong những cảm biến đó có thể là PPG, sử dụng thiết bị đo nồng độ oxy trong máu để chiếu sáng một mảng da, đo lường sự thay đổi độ hấp thụ ánh sáng của da. Quá trình đó cho phép tai nghe đo nhịp tim, thể tích máu, nhịp hô hấp và cả nồng độ VO2 tối đa (lượng oxy tối đa được cơ thể hấp thụ).

 Tai nghe earbuds tích hợp cảm biến sinh trắc học có thể đo nhịp tim, thể tích máu, nồng độ VO2 tối đa, nhịp hô hấp và chỉ số căng thẳng. 

Trong trường hợp đây là tai nghe earbuds có dây, nó sẽ được kết nối với một tai nghe earbuds khác với một điện cực, các điện cực này sẽ kết hợp với nhau để cùng đo lường các chỉ số sinh trắc học khác nhau.

Các điện cực này có thể được sử dụng để đo phản ứng điện da (GSR) của người dùng. GSR có thể hữu ích trong việc xác định mức độ căng thẳng mà người dùng gặp phải tại bất kỳ thời điểm nào. Trong một số phương án khác, các điện cực có thể được sử dụng để đo các thông số chi tiết hơn của tim bằng cách sử dụng cảm biến đo điện tâm đồ (EKG) hoặc cảm biến đo nhịp tim trở kháng (ICG).

 Việc tích hợp cảm biến sinh trắc học trong earbuds là một bước tiến mới của Apple.

Theo bằng sáng chế mới này của Apple, các cảm biến bên trong earbuds có thể tự xác định người dùng đã đeo tai nghe vào tai nào từ đó thay đổi cách thức vận hành cho phù hợp.

Sinh trắc học là công nghệ sử dụng những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của mỗi cá nhân như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, tĩnh mạch…để nhận diện, xác thực bảo mật. Công nghệ này đã được phát triển trong một thời gian dài và trong những năm gần đây, nó có những bước tiến đáng kinh ngạc.

Cảm biến sinh trắc thường cần có sự tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với da để có thể đo và theo dõi chính xác các thông số sinh trắc học. Việc yêu cầu người dùng đặt cảm biến tiếp xúc trực tiếp với da để theo dõi các loại dữ liệu sinh trắc học này có thể gây ra nhiều bất tiện với người dùng, khiến việc áp dụng theo dõi sinh trắc học trở nên khó khăn hơn. Do đó, các thiết bị điện tử nhỏ gọn, tiện dụng và thông minh có tích hợp cảm biến sinh trắc học như earbuds đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tín đồ công nghệ.

Thúy Hằng