Lão nông chỉ học hết lớp 3 Phạm Văn Đậm và biệt tài sáng chế

(SHTT) - Mặc dù chỉ học hết lớp 3 nhưng lão nông An Giang, Phạm Văn Đậm lại có biệt tài sáng chế, ông cho ra đời nhiều máy móc hữu ích cho bà con nông dân.

Ở An Giang, khi nhắc đến biệt danh "nông dân rặt", ai cũng biết đến đó là tên gọi thân mật dành cho lão nông Phạm Văn Đậm (59 tuổi, ngụ tại xã Thanh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang). Là con trong một gia đình thuần nông, hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên ông Đậm chỉ học đến lớp 3 “trường làng” thì phải nghỉ học để phụ giúp gia đình mưu sinh.

Tuy nhiên với tài năng của mình, ông Đậm đã có nhiều cải tiến hữu ích cho những công việc nhà nông. Từ động cơ máy cắt cỏ, ông đã tự mày mò, sáng chế máy tưới rẫy tự động, máy phát điện mini làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho những người nông dân. Chiếc máy tưới rẫy tự động được sáng chế với nhiều ưu điểm như dễ vận hành, rút ngắn thời gian tưới tiêu, giá thành thấp… nên được nhiều bà con trong và ngoài tỉnh đón nhận.

 Lão nông chỉ học hết lớp 3 Phạm Văn Đậm và biệt tài sáng chế

Trong khi đó, chỉ là sự kết hợp của động cơ máy cắt cỏ, cùng với bộ đánh lửa xe Honda ông Đậm đã cho ra đời chiếc máy phát điện hoàn chỉnh. Ngoài máy phát điện mini, ông Đậm còn cải tiến động cơ máy cắt cỏ thành chiếc xe cắt cỏ tiện dụng. Chỉ cần một người, chiếc máy cắt cỏ này có thể dọn sạch hàng ngàn mét vuông cỏ chỉ trong vài giờ.

Vào tháng 9/2015, sản phẩm máy cưa cây cải tiến của ông Đậm cũng được chọn là một trong những sản phẩm tiêu biểu của Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh. Chiếc máy cưa cải tiến này được đánh giá là sản phẩm an toàn cho những công nhân làm việc ở các công trình phát hoang lưới điện, công viên cây xanh, khu công nghiệp. Đối với nhà vườn, chiếc máy cưa hữu hiệu trong việc tỉa cành, tạo tán cho vườn cây để tạo sự thông thoáng, loại bỏ những cành già cỗi cho cây trồng. Lâu nay, công việc này thường được nông dân thực hiện thủ công, vừa tốn công sức, vừa mất thời gian, mà đôi khi còn nguy hiểm.

Sẵn với kinh nghiệm sửa chữa động cơ, máy phát điện nên chỉ sau 2 tháng, chiếc máy cưa cải tiến đã được chế tạo thành công. Chiếc máy này sử dụng thiết bị của máy cắt cỏ và được cải tiến lại, bỏ hệ thống cắt cỏ (lưỡi và nhông), gắn một đoạn láp dài 3m, một đầu gắn với lưỡi cưa bằng thép (đường kính 18cm), một đầu gắn với động cơ. Máy có khối lượng nhẹ được thiết kế đeo trên vai và có hệ thống điều khiển để khởi động và tắt máy, có nút điều chỉnh ga.

 Ông Phạm Văn Đậm bên cạnh sáng chế hữu ích của mình

Sau thành công về cải tiến máy cắt chặt, tỉa nhánh cây và chiếc máy tưới rẫy di động, ông Phạm Văn Đậm lại có thêm một sáng kiến mới được nông dân rất thích, đó là xe cắt cỏ.

Xe cắt cỏ có trọng lượng khoảng 30 kg, có thể di chuyển ra vườn bằng xe gắn máy, hoặc đẩy bộ. Dàn khung sườn được kết cấu bằng khung thép, bên dưới có 2 bánh xe, bên trái có tay vịn giữ trục thăng bằng, bên phải gắn tay ga để điều tiết tốc độ cắt cỏ nhanh, chậm.

Với sáng kiến kỹ thuật độc đáo, nhà vườn ở Thạnh Mỹ Tây cũng như các vùng lân cận trong tỉnh hiện rất ưa chuộng bởi tính năng tiện ích, đảm bảo an toàn trong lao động. 1 giờ máy có thể cắt 1.000 m2 cỏ mọc hoang.

Thái Hà