Sáng chế của học sinh giúp giảm thiểu tai nạn giao thông

(SHTT) - Với sự tìm tòi, ham học hỏi, nhiều bạn học sinh, sinh viên đã tự sáng chế ra những sản phẩm hữu ích, giúp giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Sáng chế bộ đôi xe máy điện và mũ bảo hiểm (MBH) thông minh

Theo thông tin được đăng tải trên báo Hải Dương, với niềm đam mê sáng tạo và mong muốn góp phần giảm tai nạn giao thông, 2 em Lương Đức Dũng và Phạm Minh Hiếu (lớp 12A, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, TP Hải Dương) đã sáng tạo ra một bộ sản phẩm độc đáo. Đó là “Bộ đôi xe máy điện và mũ bảo hiểm (MBH) thông minh”. Giải pháp này đã giành giải nhất trong Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hải Dương lần thứ XII (2017-2018) và giải khuyến khích Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh (2017-2018).

Tính độc đáo của bộ sản phẩm này là nếu người điều khiển xe máy điện không đội MBH thì xe sẽ không thể di chuyển. Đầu MBH và hai bên quai mũ nối với nhau thành một công tắc nên bắt buộc người điều khiển phương tiện phải đội mũ và cài quai thì tín hiệu từ mũ sẽ truyền tới bộ điều khiển và xe sẽ chuyển động. Ngoài ra, Hiếu và Dũng còn lắp đặt thêm bộ cảm biến trọng lượng gắn ở yên xe để khi người thứ 2 ngồi lên thì công tắc ở bộ cảm biến sẽ gập xuống và tắt nguồn toàn bộ xe. Chỉ khi nào người thứ 2 đội MBH và cài quai thì xe mới có thể chuyển động.

 Ảnh: Báo Hải Dương

Không dừng lại ở đó, Hiếu và Dũng còn đưa vào bộ sản phẩm độc đáo này giải pháp chống chở ba người và chở quá tải thông qua bộ cảm biến trọng lượng được gắn vào phần dưới xe. Khi người thứ 3 ngồi lên yên xe, lò xo giảm xóc sẽ bị nén xuống, chạm vào công tắc nguồn khiến xe không thể hoạt động. Trong trường hợp người thứ 2 quá nặng thì chủ phương tiện có thể tùy chỉnh từng nấc sao cho phù hợp. Đặc biệt hơn, sáng chế của hai em còn có thể phát hiện chướng ngại vật phía trước cách xe 5 m nhờ bộ cảm biến được lắp vào hộp điều khiển. Khi đang di chuyển mà phát hiện có chướng ngại vật thì bộ cảm biến sẽ lập tức bật còi cảnh báo, động cơ xe sẽ dừng lại và xe chỉ còn chạy theo quán tính. Nhờ những tính năng này nên sáng chế của Hiếu và Dũng được Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hải Dương lần thứ XII đánh giá rất cao.

Sáng chế thiết bị cảnh báo hành vi vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông

Hiện tại mỗi ngày đều xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm, cướp đi mạng sống của bao người và một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn chính là do hành vi vượt đèn đỏ. Nhận thấy vấn đề nhức nhối này nên ngay từ khi còn là học sinh lớp 12A10 của trường THPT Vĩnh Kim, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, 2 em học sinh là Phạm Minh Hiếu và Trần Thế Vinh đã quyết định sáng chế ra một thiết bị cảnh báo hành vi vượt đèn đỏ và dừng không đúng nơi quy định nhằm giúp giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông.

Cả 2 em học sinh này hiện đều đã trở thành sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và vẫn đang dần hoàn thiện sáng chế của mình.

Theo lời chia sẻ của Thế Vinh thì cả 2 đã bắt tay vào nghiên cứu sáng chế từ tháng 10/2015 và sau nhiều lần thử đi thử lại hoàn chỉnh thì 5 tháng sau, sản phẩm mới được hoàn thành và được đưa đi dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Với tính hữu ích, sáng chế này của 2 em đã vượt qua nhiều sáng chế khác để đoạt giải 3 toàn cuộc thi dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam vào tháng 3/2016.

Được biết, để sáng chế ra thiết bị này, Hiếu và Vinh đã sử dụng mạch điều khiển điện tử sử dụng quang trở. Nguồn năng lượng giúp thiết bị hoạt động chính là nguồn điện tại các trụ đèn tín hiệu giao thông và khi đèn giao thông hoạt động thì thiết bị cũng hoạt động theo để tạo sự nhịp nhàng.

Cấu tạo của thiết bị gồm 3 phần: Phần phát tín hiệu là một đèn laser có nhiệm vụ phát tia sáng truyền tín hiệu đến đầu nhận ở phần thu. Phần thu là một cảm biến sử dụng quang trở có nhiệm vụ nhận tín hiệu từ phần phát và điều khiển hoạt động của phần cảnh báo. Nếu tia sáng bị chặn lại do các phương tiện giao thông vượt qua vạch sơn cho phép thì thiết bị sẽ phát tín hiệu cảnh báo. Bộ phận cảnh báo là hệ thống chuông, có đèn nhấp nháy và bảng đèn LED chạy chữ với nội dung nhắc nhở bằng giọng nói: “Bạn đã đậu quá vạch sơn, vui lòng lùi lại”.

Trong trường hợp người vi phạm cố tình vượt đèn đỏ thì thiết bị sẽ chụp ảnh và lưu lại. Sáng chế này của 2 em cũng đã được đưa đi thử nghiệm tại một số ngã tư ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và được đánh giá cao. 

Chàng trai 9x với sáng chế “đèn giao thông thông minh”

Em là Nguyễn Ngọc Đạt, học lớp 12A6, trường THPT Đào Duy Từ, thành phố Đồng Hới. Trong một lần đi trên đường, Đạt chứng kiến một vụ tai nạn giao thông thảm thương vì tín hiệu đèn giao thông không ổn định. Từ đó, Đạt nung nấu ý tưởng thiết kế một hệ thống “đèn giao thông thông minh” nhằm hạn chế những nỗi đau không đáng có.

Theo thông tin được đăng tải trên báo Dân Trí, sản phẩm hệ thống “đèn giao thông thông minh” của Đạt gồm có đèn 7 đèn nhấp nháy liên tục chuyển từ xanh sang vàng, vàng đến đỏ theo một lập trình có sẵn, giúp người tham gia giao thông có thể điều tiết được tốc độ mỗi khi qua các nút giao thông. Ngoài ra, trên mỗi cột đèn, Đạt còn gắn thêm một hệ thống camera cảm biến, giúp chụp lại những hình ảnh về người tham gia giao thông vi phạm để giúp cho CSGT có thể xử lí nguội các trường hợp vi phạm.

 Ảnh: Dân Trí

Sau nhiều tháng ngày mày mò nghiên cứu cùng với sự giúp đỡ của thầy Hoàng Hà (giáo viên hướng dẫn sản phẩm “đèn giao thông thông minh” của em Đạt) sản phẩm “đèn giao thông thông minh” của em Nguyễn Ngọc Đạt đã đạt giải Nhất trong cuộc thi Khoa học Kĩ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Quảng Bình năm học 2014 – 2015 và là người vinh dự được đại diện cho tỉnh Quảng Bình tham gia cuộc thi Khoa học Kĩ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc sắp tới.

Chế tạo "phanh điện từ" cho xe ô tô

Nguyễn Việt Trinh (SN 1999), trú tại thôn Giang Cách, xã Đắk D'rô (Krông Nô) là một cô gái trẻ yêu thích khoa học, thích mày mò nghiên cứu công nghệ. Khi đang học lớp 11, Trường THPT Krông Nô, Trinh chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do mất phanh. Vì vậy, Trinh ấp ủ ý tưởng tạo ra "Phanh điện từ" để hạn chế rủi ro trên đường. Nghĩ là làm, Trinh đã lên ý tưởng, thực hiện nghiên cứu, lắp ráp hoàn thiện sản phẩm.

Theo thông tin được đăng tải trên báo Đắk Nông, sau 2 tháng mày mò, sản phẩm "Phanh điện từ" của Trinh đã hoàn thành. Điểm nhấn trong thiết kế của Trinh là đĩa nhôm nguyên chất, có tác dụng tạo ra lực hãm, làm giảm chuyển động của động cơ, đồng thời giải quyết nhược điểm là không gây ma sát tỏa nhiệt dẫn đến cháy nổ, bảo đảm an toàn trên đường. Sản phẩm "Phanh điện từ" được tạo ra nhằm mục đích giảm thiểu tai nạn giao thông do nguyên nhân mất phanh, nhất là đối với những loại xe trọng tải lớn.

 Ảnh: Đắk Nông Online

Từ tính đột phá, thiết thực, đề tài của Trinh đã được đánh giá cao trong các cuộc thi về sáng tạo. "Phanh điện từ" đã giúp Trinh đạt giải ba cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ XII, năm 2016. Vinh dự hơn cả, Nguyễn Việt Trinh đã trở thành gương mặt trẻ tuổi nhất được vinh danh trong Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 9 năm 2016, nhờ đề tài "Phanh điện từ".

Hạ Linh