Hàng loạt họa sĩ vào cuộc xử lý vụ xâm phạm bản quyền tranh trên áo dài

(SHTT) - Số lượng các họa sĩ có tranh bị xâm phạm bản quyền trên áo dài ngày càng tăng. Và để xử lý vấn đề này, các họa sĩ đã vào cuộc nhờ luật sư.

Mấy ngày qua, nhiều họa sĩ ở Hà Nội và Huế đồng loạt tố cáo nhiều công ty áo dài như Công ty in vải kỹ thuật số L.A, Công ty in vải kỹ thuật số P.T, Công ty TNHH in ấn dệt may P.M, Vải may áo dài L.H… đã sử dụng trái phép các tác phẩm tranh của họ, dùng bừa bãi lên mẫu áo dài, chào bán rộng rãi trên mạng xã hội.

Tính tới ngày 6/5, số họa sĩ phát hiện có tranh bị xâm phạm bản quyền lên áo dài đã lên tới 7 người, gồm: họa sĩ Bùi Trọng Dư (Hà Nội), Lâm Đức Mạnh (Hà Nội), Ngụy Đình Hà (Hà Nội), Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội), Nguyễn Đăng Sơn (Huế), Lê Phan Quốc (Huế), Phan Linh Bảo Hạnh (Bình Dương). Tuy nhiên con số này được giới họa sĩ đánh giá là vẫn còn tiếp tục tăng vì nhiều họa sĩ đã vào cuộc rà soát lại các mẫu áo dài trên mạng để tìm kiếm xem có xâm hại bản quyền tranh của mình hay không.

 Các mẫu áo dài đạo tranh

Trao đổi với Thanh Niên, họa sĩ Bùi Trọng Dư, đại diện nhóm các họa sĩ có tranh bị xâm phạm bản quyền, cho biết sau khi làm việc với các đơn vị áo dài xâm phạm bản quyền không thành công, nhóm các họa sĩ đã quyết định xin tư vấn từ luật sư để có thể thúc đẩy việc xử lý xâm phạm bản quyền bằng luật pháp.

Ngoài ra, nhóm các họa sĩ bị đạo tranh cũng chủ động liên hệ với báo đài truyền thông và sử dụng mạng xã hội để kêu gọi mọi người cùng lên án việc xâm phạm bản quyền tranh.

Được biết, loạt tranh "Ao sen" của họa sỹ Bùi Trọng Dư gồm 3 bức sen và 1 bức thiếu nữ, được họa sỹ sáng tác từ năm 2011 đến năm 2015... Suốt từ đó đến nay, 4 tác phẩm này liên tục bị xâm hại bản quyền và phần lớn trong số ấy là các công ty thiết kế, in ấn, các xưởng áo dài.

 Bức tranh "Ao sen" của Bùi Trọng Dư

Mới đây, anh phát hiện ra bức tranh sơn mài Ao sen của mình vẽ năm 2011 bị Công ty in vải Lan Anh lấy làm nền áo, rồi cắt tranh cô gái của họa sĩ khác chồng lên, tự gọi đó “mẫu tự thiết kế” và chào bán quảng cáo công khai trên web và mạng xã hội.

 Áo dài xâm phạm bản quyền tranh

Sau khi phát hiện, họa sĩ Bùi Trọng Dư đã chủ động gọi điện, nhắn tin cho cơ sở vi phạm, nhưng công ty đã trả lời loanh quanh, nói là khách đưa thiết kế đến thì in.

Chia sẻ với báo chí, họa sĩ Lâm Đức Mạnh (người có bức tranh sơn dầu Đêm thu, vẽ năm 2017, bị xâm phạm trái phép lên áo dài) cũng buồn bã chia sẻ: “Thực ra từ vụ đạo tranh lên áo dài lần này, tôi thấy buồn cho thẩm mỹ của người gọi là "tạo mẫu thời trang áo dài". Tranh có ngôn ngữ của tranh, vẽ trên áo dài đòi hỏi ngôn ngữ khác, không thể in tranh dù có cắt ghép thô thiển vào áo dài được. Tôi thấy thương cho đơn vị may áo dài vì sự ấu trĩ của họ, đồng thời cũng rất bất bình về việc họ sử dụng tranh của tôi vào mục đích thương mại mà không xin phép”.

Họa sĩ Ngụy Đình Hà (người có bức tranh sơn dầu Hai chị em, vẽ năm 2018, bị Công ty áo dài Phương Mai xâm phạm trái phép lên áo dài) cũng bức xúc: “Một tác phẩm mình trả giá nhiều năm tìm tòi ra phong cách, rồi mất cả tháng để ra một tác phẩm. Khi các công ty may lại tự ý lấy tác phẩm của họa sĩ đi in bừa bãi không xin phép, tôi thực sự rất tức giận và đau xót cho tác phẩm của mình”.

 
 Tranh sơn dầu Hai chị em (họa sĩ Ngụy Đình Hà) bị Công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền, tự ý in lên mẫu áo chào bán

Họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh đau xót nói: “Một tác phẩm của họa sĩ được vẽ ra đều phải đặt hết tâm huyết sức lực vào đó. Và bây giờ như chúng ta thấy, một số người nghiễm nhiên chiếm đoạt một cách tùy tiện công khai, sự trắng trợn ngày một tăng. Từ chép tranh bán, chép tranh vào tường trang trí và bây giờ là in áo, không biết người ta còn làm trò gì với các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nữa đây. Lương tâm, đạo đức nghề nghiệp ở đâu?”.

Minh Thư