Chân dung thầy giáo trường làng mê sáng chế Nguyễn Văn Nưng

(SHTT) - Không chỉ là một giáo viên dạy môn thể dục thể chất, anh Nguyễn Văn Nưng còn có niềm đam mê đặc biệt với sáng chế. Chiếc máy vô chân ấm mía của anh đã giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao trong việc trồng mía.

 Vượt qua trên 40 tác giả tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần 10 năm 2018, giải pháp "Máy vô chân đạp mía" của anh Nguyễn Văn Nưng, giáo viên dạy môn giáo dục thể chất Trường tiểu học An Thạnh 3A (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng), được trao giải nhất.

Thầy Nưng cho biết ngoài giờ lên lớp, thầy cùng gia đình chăm sóc 2 ha mía để tăng thu nhập và nuôi hai con ăn học. Trong quá trình sản xuất, thầy nhận thấy người trồng mía phải tốn rất nhiều chi phí, đặc biệt là khâu chăm sóc, nên sau thu hoạch, trừ các khoản thì lợi nhuận thu về không được bao nhiêu. Từ thực trạng đó, thầy Nưng luôn suy nghĩ tìm cách giúp nhà nông giảm bớt chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Sau nhiều đêm trăn trở, đầu năm 2015, thầy quyết định phải sáng chế ra một chiếc máy làm đất dành riêng cho người trồng mía.

 Chân dung thầy giáo trường làng mê sáng chế Nguyễn Văn Nưng

Được sự hỗ trợ của cả nhà, thầy Nưng đã mạnh dạn bắt tay vào tìm tòi, học hỏi và sáng chế thành công chiếc máy đào mương. Thành công trong sản xuất máy nhưng lại không thành công khi đưa vào vận hành trong sản xuất ( phục vụ làm 20 công mía của gia đình) bởi máy đào mương này vừa cồng kềnh lại vừa hoạt động không hiệu quả. Không nản lòng, ngày đi dạy ở trường tiểu học, chăm sóc mía, đêm vào kho cặm cụi, miệt mài làm việc đến khuya, quyết tâm biến những ý tưởng trong đầu trở thành hiện thực. Dần dà, chiếc máy vô chân mía cũng đã hoàn thành. Anh đẩy ngay chiếc máy nặng chừng 65 kg ra rẫy mía sau nhà chạy thử, chiếc máy thành công ngoài mong đợi.

Với chiếc máy này, việc làm đất đã được nhẹ nhàng hơn, chi phí thấp hơn, năng suất lao động cao hơn. Thầy Nưng cho biết: Nếu vun đất bằng lao động thủ công, mỗi người phải mất 6 ngày mới xong 1.000m2, tiền công 600.000 đồng/1.000m2; còn chiếc máy của thầy, chỉ một người điều khiển nhưng vun được một ngày 3.000m2, tiền công chỉ từ 450.000 đồng - 500.000 đồng/công (tùy đất). Như vậy vừa giảm được chi phí, vừa rút ngắn thời gian, sản xuất có lãi.

Theo thầy Nưng, thời gian sinh trưởng của cây mía khoảng 12 tháng, cần phải trải qua 3 lần vô đất chân mía (vô chân phả, vô chân ấm và vô chân đạp). "Đối với cây mía, khâu vô đất chân rất quan trọng, giúp cây giữ độ ẩm, phát triển tốt.

 

Riêng vùng đất ở Cù Lao Dung nhiều phù sa và mềm nên khi mía phát triển dễ đổ ngã, giảm năng suất, giảm trữ đường, do vậy cần vô chân đạp, trong khi chiếc máy đầu tay chưa có chức năng đó" - thầy Nưng cho hay.

Bí thư xã An Thạnh 3 Lâm Văn Uẩn cho biết: Chỉ hơn một năm qua, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát ở xã tăng lên đột biến; diện tích trồng mía gần 1.900 ha đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1.600 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí đầu tư cho trồng mía cao, giá cả bấp bênh, sản xuất không có lãi. Thành công trong sáng chế máy phục vụ trồng mía của anh Nưng sẽ giúp cho người trồng mía đỡ tốn công lao động, ít tốn chi phí, sản xuất có lời, góp phần phát triển bền vững nghề trồng mía trên đất cù lao.

Hải Hà