Hồng không hạt Quản Bạ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

(SHTT) - Sản phẩm Hồng không hạt Quản Bạ đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 2148/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00056. Chứng nhận này được xem là điều kiện thuận lợi để làm tăng giá trị thương mại cho đặc sản hồng không hạt.

Quản Bạ là một huyện thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn. Nhắc đến Quản Bạ người ta thường nghĩ ngay đến Núi đôi Quản Bạ với vẻ đẹp đầy sức sống và trái cây nổi tiếng hồng không hạt, loại trái cây ngọt lành đã trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Giang. Hồng không hạt “Quản Bạ” đó có từ rất lâu đời, hiện nay vẫn còn có những cây hồng khoảng trên 300 năm tuổi tại xã Nghĩa Thuận.

Khác với cây hồng không hạt ở những địa phương khác, hồng không hạt tại Quản Bạ (Hà Giang) là giống bản địa, đã được trồng từ lâu đời bởi đồng bào các dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Bố Y...) bảo tồn và phát triển. Hồng không hạt Quản Bạ có một số tính chất, chất lượng đặc thù so với các sản phẩm cùng loại như: Thịt quả giòn, ngọt, thơm, nhiều bột mịn; quả to, vỏ quả cứng, thịt chắc rất dễ bảo quản và vận chuyển. 

 Hồng không hạt Quản Bạ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Sự thơm ngon nức tiếng của loại quả này cũng là nhờ đặc thù của khu vực địa lý Quản Bạ. Được biết, Quản Bạ có độ cao trung bình trên 1.000 mét so với mực nước biển, địa hình khá bằng phẳng, có nơi có độ dốc dưới 20o, tầng đất dày, ít bị xói mòn. Khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm nên hồng không hạt cho chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định. Thổ nhưỡng của khu vực này là loại đất Feralit đỏ vàng trên đá biến chất, đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, kết cấu tầng đất mặt tơi xốp, độ phì tiềm tàng khá, hàm lượng mùn tổng số tương đối cao, đất thoát nước tốt. Tổng lượng mưa bình quân hàng năm từ 1.200 - 2.100 mm, tổng lượng nhiệt cả năm từ 5.000 - 6.500oC, nhiệt độ trung bình năm khoảng từ 14 - 18oC. Biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm từ 8,6 - 9,5oC, lớn hơn các khu vực khác. Độ ẩm trung bình năm từ 81 - 87%. Đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng như vậy nên khu vực địa lý có nhiều điều kiện thích hợp để trồng nhiều loại cây ôn đới trong đó có hồng không hạt.

Ông Hạng Dương Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện - cho biết để nâng năng suất, chất lượng hồng không hạt, địa phương đã triển khai đề tài nghiên cứu và xây dựng quy trình chăm sóc, đốn tỉa cành, bón phân hợp lý; lập vườn ươm giống tại thị trấn Tam Sơn. Hiện diện tích hồng không hạt trên toàn huyện là 92,08ha, sản lượng 560 tấn/năm.

“Năng suất gần đây tăng mạnh do số cây cho thu hoạch tăng sau mỗi năm. Có hộ thu trên 200 triệu đồng/năm. Đây là động lực để các hộ nằm trong vùng quy hoạch tham gia trồng mới, phát triển diện tích hồng, phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 320ha” - ông Thành nói.

Tuy nhiên người dân ở đây cũng gặp thách thức lớn đó là sản phẩm chưa được phát triển thương hiệu nên bị ép giá. Chính vì vậy vào tháng 7/2016, địa phương và Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thiện dự án xây dựng CDĐL “Quản Bạ” cho sản phẩm hồng không hạt. Cục Sở hữu Trí tuệ đã chấp nhận đơn đăng ký hợp lệ.

Mới dây, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 2148/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00056 cho sản phẩm. Khu vực địa lý: Thị trấn Tam Sơn, xã Nghĩa Thuận, xã Thanh Vân, xã Bát Đại Sơn và xã Quản Bạ thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Có thể nói, chỉ dẫn địa lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người sản xuất hồng không hạt tại Quản Bạ và là công cụ để tiếp cận, quảng bá sản phẩm trên thị trường theo phương thức mới, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm. Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Quản Bạ” cho sản phẩm hồng không hạt CÒN tạo cơ hội phát triển bền vững sản phẩm, tạo điều kiện tiếp thị và thâm nhập nhiều thị trường trong nước và khu vực...

PV