Bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh

Câu hỏi: Tôi vừa có một tác phẩm phái sinh, kế thừa từ tác phẩm gốc vậy tôi muốn hỏi hồ sơ để đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh là gì và làm thế nào để không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc?

Trả lời:

Có nhiều tác phẩm tuy được sáng tạo dựa trên một hoặc một số tác phẩm gốc đã có từ trước nhưng vẫn được bảo vệ quyền tác giả. Việc kế thừa các tác phẩm đã tồn tại, các nghiên cứu đi trước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học là một trong các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của tài sản trí tuệ. 

Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh có liên quan đến việc bảo hộ tác phẩm gốc, để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả thì điều kiện tiên quyết là không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc. Nhưng như thế nào là không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc? Đây là một vấn đề phức tạp vì ranh giới giữa việc sáng tạo ra tác phẩm phái sinh với việc xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc, ranh giới giữa việc sử dụng tự do tác phẩm với việc xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc… trong nhiều trường hợp là khó xác định. Sau nữa, do sự phát triển của trình độ khoa học và công nghệ, mối quan hệ giữa tác phẩm phái sinh với một số loại hình tác phẩm khác, ví dụ chương trình máy tính đã không được Công ước Berne điều chỉnh, đồng thời pháp luật về quyền tác giả của một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) cũng chưa đề cập.

 Bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh

Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Khoản 3, điều 2 Công ước Berne về bảo vệ tác phẩm văn học đã quy định: “Các tác phẩm dịch, mô phỏng, chuyển nhạc và các chuyển thể khác từ một tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật đều được bảo hộ như các tác phẩm gốc, miễn không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc”.

Với tư cách là một thành viên của Công ước Berne, pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận và bảo vệ quyền tác giả đối vơi tác phẩm phái sinh. Khoản 2 Điều 736 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Người sáng tạo ra tác phẩm phái sinh từ tác phẩm của người khác, bao gồm tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn là tác giả của tác phẩm phái sinh đó.”

Theo đó, một tác phẩm phái sinh sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng đủ hai điều kiện sau đây:

Tác phẩm phái sinh không làm phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.Tác phẩm phái sinh phải được hình thành dựa trên một hoặc một vài tác phẩm gốc đã có từ trước. Những tác phẩm gốc này có thể vẫn còn hoặc đã hết thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản. Tác phẩm phái sinh có thể được sáng tạo mà không cần đến sự đồng ý của tác giả sáng tạo tác phẩm gốc nhưng quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ khi nó không gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc. Trong nhiều trường hợp, rất khó xác định một hành vi có bị coi là gây phương hại đến quyền tác giả hay không, đặc biệt là đối với những tác phẩm mà tác giả sáng tạo ra tác phẩm gốc đã qua đời.

Tác phẩm phái sinh được sáng tạo một cách độc lập.Cũng như tất cả các tác phẩm khác, tác phẩm phái sinh muốn được bảo hộ thì phải là kết quả của sự độc lập sáng tạo. Tuy nhiên, sự độc lập sáng tạo này khác với tác phẩm gốc ở chỗ có thể khiến người khác liên tưởng đến tác phẩm gốc khi được tiếp cận với tác phẩm phái sinh. Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh cũng chỉ dừng ở mức bảo hộ về mặt hình thức chứ không bảo vệ nội dung và ý tưởng của tác phẩm.

Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, nhưng việc nghiên cứu các quy định về bảo hộ tác phẩm phái sinh chưa được chú trọng đúng mức ở Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo hộ tác phẩm phái sinh, góp phần đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả đối với việc bảo hộ tác phẩm phái sinh là cần thiết.

Theo luatduonggia