Cảnh báo: Quảng cáo TPBVSK VITOS và Dạ dày Tâm Vị có dấu hiệu lừa dối khách hàng

(SHTT) - Cục An toàn thực phẩm mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về việc xuất hiện các quảng cáo liên quan tới sản phẩm TPBVSK VITOS và Dạ dày Tâm Vị trên Facebook vi phạm quy định quảng cáo của pháp luật.

Cụ thể, thông báo được đăng tải hôm 29/7/2021 trên trang chỉ của Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế tại cho biết, qua công tác hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm phát hiện sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe VITOS do Công ty Cổ phần Y dược LIS (Địa chỉ: Số nhà 5, ngõ 2 Cầu Đơ 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm đang quảng cáo trên trang https://www.facebook.com/vitosdadayy với nội dung gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.

 

Cùng lỗi trên, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tâm vị do Công ty TNHH Thương mại HAND Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 8B, số 252, đường Lê Trọng Tấn, Phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm đang quảng cáo trên trang https://www.facebook.com/Dạ-Dày-Tâm-Vị-_-Đặng-An-104167908471429/ cũng được Cục An toàn thực phẩm xác định có vi phạm quy định về quảng cáo.

 

Với thông báo này, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng trong thời gian các cơ quan chức năng đang phối hợp xử lý không nên căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật được nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe VITOS và Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tâm Vị trên các địa chỉ có trong thông tin cảnh báo.

Hành vi vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng được xử lý như thế nào?

Việc vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng không hề mới mà vẫn diễn ra “tinh vi” hơn nhiều mặc dù đã có những quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này nhưng vì những siêu lợi nhuận mà nó mang lại nên hành vi quảng cáo 'quá đà'  đối với nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng vẫn vô cùng phổ biến.

Căn cứ vào Nghị định 158/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực, văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có nêu: Việc tiến hành quảng cáo thực phẩm chức năng có thể bị phạt vi phạm hành chính trong một số trường hợp sau:

– Mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình.

– Mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi, quảng cáo thiếu một trong các nội dung: tác dụng chính và tác dụng phụ; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

– Mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

Thái An