Nhiệm vụ cốt lõi của Cục Sở hữu trí tuệ: Đào tạo đội ngũ cán bộ giàu chuyên môn

(SHTT) - Để Sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước thì nhiệm vụ cốt lõi chính là phải đào tạo đội ngũ cán bộ giàu chuyên môn để làm công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức.

 Nhằm góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương, trong năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ đã được Cục đẩy mạnh nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Một số khó khăn còn tồn tại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam là: thiếu nhân lực và nguồn lực ở một số đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao; Tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp vẫn còn nhiều, thậm chí có xu hướng gia tăng khi số lượng đơn được xử lý hàng năm thấp hơn số lượng đơn nhận được. Đến hết năm 2020, cả nước có 217 tổ chức và 367 cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam (tăng 14 tổ chức và 36 cá nhân so với năm 2019).

 

Về tình hình thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 Quyết định số 1068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau hơn một năm ban hành, mới chỉ có 12/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược.

Nhiều địa phương còn vướng mắc trong triển khai do chưa xác định rõ cách thức triển khai, đặc biệt là vấn đề lồng ghép với các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Một số địa phương còn băn khoăn về việc tính toán các chỉ tiêu liên quan đến Sở hữu trí tuệ do các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa được xác định cho giai đoạn 2021-2030.

Một trong những mục tiêu lớn được đặt ra trong Chiến lược là “Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT”. Vì vậy một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được Cục Sở hữu trí tuệ quan tâm trong thời gian tới là cần đẩy mạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu công nghiệp nhằm từng bước đáp ứng được nhu cầu của các địa phương.

Ở các nước phát triển, việc đào tạo nhân lực về SHTT được thực hiện với hệ thống đồng bộ, nhiều cấp độ và hình thức đào tạo khác nhau. Theo nhu cầu của từng quốc gia, phụ thuộc vào từng cơ sở, việc đào tạo nhân lực về SHTT có thể chỉ dừng ở mức độ là một môn học, hoặc có thể ở các mức độ cao hơn như đào tạo chuyên ngành đại học và sau đại học. Hầu hết các trường đại học của các nước phát triển đều có môn học SHTT trong chương trình một cách độc lập hoặc lồng ghép với các môn học chuyên ngành khác. Hệ thống đào tạo đó góp phần tạo ra mạng lưới nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, là cơ sở nền tảng để thúc đẩy hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia phát triển hiệu quả và bền vững.

Hiện nay, ở Việt Nam, SHTT mới được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học đào tạo cử nhân luật, nội dung giảng dạy mới chủ yếu dừng lại ở những kiến thức cơ bản chung, chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu dài hạn, chính quy. Cục SHTT, Hội SHTT Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học SHTT… trong khuôn khổ các hoạt động thường xuyên của mình có tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về SHTT nhưng chủ yếu đào tạo theo từng chuyên đề, từng đối tượng sở hữu trí tuệ nhỏ lẻ…

Nhìn chung, việc đào tạo nhân lực nói chung và nhân lực chuyên sâu nói riêng về SHTT ở Việt Nam chưa được tiến hành một cách đồng bộ, quy mô đào tạo nhỏ, chưa mang tính hệ thống, đồng bộ nên chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên sâu về SHTT còn thiếu, chỉ có một số lượng nhỏ chuyên gia được đào tạo chính quy ở nước ngoài.

Hà Vi