Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí: Giải pháp cho vấn đề vi phạm bản quyền

(SHTT) - Ngày 5/11, tại TP Hồ Chí Minh, Cục báo chí, cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đã chủ trì diễn đàn, với sự tham gia của lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Bản quyền tác giả và hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo trên cả nước.

Nhiều tham luận của đại diện các cơ quan báo chí cho thấy thực tiễn khó khăn trong "cuộc chiến" bảo vệ bản quyền.

Nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức về tình hình vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam. Dẫn kết quả khảo sát từ một cá nhân nghiệp dư trong một phạm vi hẹp, các báo lấy tin bài của nhau có dẫn nguồn (gồm cả được phép và chưa được phép) thì báo Tuổi Trẻ bị/được lấy thông tin nhiều nhất (16.641 lần), tiếp đó là báo Thanh niên (9.764 lần), VnExpress (8.723 lần)...

 Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí: Giải pháp cho vấn đề vi phạm bản quyền

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, hệ thống chế tài theo các quy định về dân sự, hình sự, hành chính đều có đủ. Nhưng chưa có số liệu báo cáo là thực thi ra sao, tăng hay giảm...

Trong khi đó, Thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh Đinh Đức Thọ cho biết, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đang là nạn nhân của tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Thông tin vừa vừa xuất bản đã bị lấy lại, không xin phép. Có tác phẩm báo chí trên báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh phải đầu tư hơn 2 tháng để hoàn thành nhưng chỉ vừa xuất bản là đã có báo lấy lại nguyên văn.Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh phát hiện, đã gọi điện thoại yêu cầu gỡ xuống, đơn vị vi phạm không hợp tác, chỉ đến khi làm mạnh thì mới chịu gỡ.

Đối tượng xâm phạm tác quyền các tác phẩm báo chí của báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh nhiều nhất vẫn là các trang thông tin 3 không, không có địa chỉ, không có cơ quan chủ quản, không biết ai là chủ...

Trước vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử chia sẻ rằng, một cơ quan báo chí không thể một mình chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp.

Bộ phận này phải gồm cả các chuyên gia pháp lý xử lý việc này. Tiếp theo, tiến tới hình thành một liên minh hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.

Để đưa ra giải pháp, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng trước hết chính bản thân các cơ quan báo chí phải liên kết với nhau để thực hiện đúng quy định pháp luật. “Liên minh” này ngoài cơ quan báo chí còn phải có cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghệ… Mỗi cơ quan đều có thế mạnh riêng, cần ngồi lại với nhau trên cơ sở hợp đồng chia sẻ quyền lợi. Nhưng cho dù có “liên minh” thì các cơ quan báo chí cũng phải có cơ chế tự bảo vệ mình trước tiên.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí phải hình thành bộ phận phát hiện, lưu vết để gửi về trung tâm. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao các cơ quan báo chí hiện nay đã làm điều này.

Ngoài ra, các cơ quan phải thực hiện nghiêm, không vi phạm bản quyền của nhau để cùng đấu tranh với các trang thông tin điện tử vi phạm.

Hải Châu