Merck 'trắng tay' trong vụ kiện tranh chấp bằng sáng chế với Gilead

(SHTT) - Theo phán quyết mới nhất từ Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ, nhà sản xuất dược phẩm Merck sẽ không nhận được khoản bồi thường lên đến 2,54 tỷ USD từ công ty Gilead Sciences do bằng sáng chế của công ty này không hợp lệ.

Theo đó, Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ đã quyết định giữ nguyên phán quyết trước đó của bồi thẩm đoàn ở Delaware, cho rằng các bằng sáng chế của Merck không hợp lệ và phía Gilead sẽ không phải trả khoản tiền bồi thường 2,54 tỷ USD trong vụ kiện này.

Merck sẽ không nhận được khoản bồi thường khổng lồ trong vụ kiện vi phạm bằng sáng chế với Gilead 

Trước đó, Merck đã đâm đơn kiện công ty công nghệ sinh học Mỹ Gilead Sciences với lý do hai loại thuốc điều trị viêm gan C có tên Sovaldi và Harvoni của công ty này vi phạm bằng sáng chế mà Merck sở hữu sau khi mua lại Idenix Pharmaceuticals. Theo Merck, hai loại thuốc trên có doanh số bán hàng trên toàn thế giới năm 2015 là 19,1 tỷ USD, chiếm gần hai phần ba tổng doanh thu của Gilead Sciences.

Năm 2016, một bồi thẩm đoàn liên bang đã đưa ra bản án cho thấy hai loại thuốc điều trị viêm gan C của Gilead đã vi phạm bằng sáng chế của Merck. Các luật sư cũng nhận định rằng Gilead phải trả 2,54 tỷ USD tiền bồi thường cho Merck. Đây là bản án lớn nhất từng có trong lịch sử các vụ kiện liên quan đến bằng sáng chế của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, vào năm 2018, một bồi thẩm đoàn ở Delaware đã đưa ra phán quyết rằng bằng sáng chế của Merck trong vụ kiện này không nên được cấp ngay từ đầu do công ty đã không đáp ứng được một yêu cầu trong quá trình cấp bằng sáng chế. Sau một năm, phán quyết này vẫn được Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ giữ nguyên vào có thể trở thành kết quả cuối cùng của vụ kiện.

Trong một tuyên bố từ Merck, công ty này tỏ ra thất vọng với quyết định của Tòa án và cho biết họ đang xem xét các lựa chọn của mình cho việc kháng cáo. Trong khi đó, phía Gilead rất hài lòng với kết quả trên và tin tưởng rằng phán quyết này sẽ được giữ nguyên cho dù Merck có kháng cáo thêm.

Merck KGaA, thường được biết đến với tên gọi Merck, được thành lập năm 1668 là công ty dược phẩm, hóa chất và khoa học đời sống lâu đời nhất thế giới. Công ty có trụ sở tại Darmstadt này cũng nằm trong danh sách những công ty dược phẩm lớn nhất toàn cầu. Được biết, Merck là một trong những nhà điều trị chính của bệnh viêm gan C. Những loại thuốc từ công ty lâu đời này đã góp phần không nhỏ tạo nên cuộc cách mạng trong việc điều trị bệnh viêm gan C.

Thúy Hằng