Thúc đẩy sáng chế trong nông dân: Cần làm gì để ươm mầm sáng tạo?

(SHTT) - Cùng sự phát triển của kinh tế, xã hội thì những sáng kiến, sáng chế ra đời ngày càng nhiều. Tuy nhiên nhiều sáng chế vẫn đang bị "xếp tủ". Vì vậy làm thế nào để sáng chế ấy được áp dụng vào thực tiễn?

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, nhiều sáng chế, máy móc phục vụ cho nông nghiệp đã được chế tạo thành công và được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Thậm chí, theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, trong 10 năm tới đây, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu ở Đông Nam Á và công nghệ 4.0 sẽ là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa vấn đề này.

Không chỉ vậy, những cuộc thi về sáng chế còn được các em học sinh hưởng ứng tích cực. Chính nơi đây đã ươm mầm ra nhiều tài năng trẻ, mang tới những sáng chế có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều sáng chế vẫn bị "xếp xó'". Vậy làm thế nào để sáng chế ấy được áp dụng vào thực tiễn?

 Thúc đẩy sáng chế trong nông dân: Cần làm gì để ươm mầm sáng tạo?

Chia sẻ về vấn đề này với PV Sở hữu trí tuệ, PGS.TS. Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nguyên Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Bất kỳ đâu có môi trường cạnh tranh lành mạnh, thì ở đó tất cả các sáng kiến, sáng tạo, sáng chế và sáng chế có tính ứng dụng cao đều được trân trọng và chắc chắn sẽ được đầu tư để ứng dụng vào thực tế. Môi trường cạnh tranh lành mạnh có thể được thiết lập ở quy mô quốc gia, quy mô doanh nghiệp…, hoàn toàn phụ thuộc vào trí tuệ của người đứng đầu tổ chức hoặc đứng đầu doanh nghiệp.

Khi người đứng đầu không hiểu, hoặc không biết làm như thế nào để có được môi trường cạnh tranh lành mạnh thì nên nghiêm túc hội nhập quốc tế, (tức là đi cùng đám đông thông minh) thì sẽ hình thành được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Từ sáng kiến trở thành sáng tạo, rồi sáng tạo phải đăng ký để có được sáng chế và trong các sáng chế ta lựa chọn/khoanh lại những sáng chế có tính ứng dụng cao. Những sáng chế có tính ứng dụng cao tức là những sáng chế đã khẳng định được quyền sở hữu trí tuệ và tính ưu việt trong cạnh tranh thì luôn có sức hút của thị trường trong nước và quốc tế.

Nếu thị trường nội địa chưa hiểu, hay chưa có nhu cầu, thì thị trường quốc tế sẽ quan tâm ứng dụng. Những quốc gia đã hình thành được môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ làm những bước cao hơn, đó là hỗ trợ, ươm tạo những sáng tạo để có thể hình thành nên những sáng chế có tính ứng dụng cao".

  PGS.TS. Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách KHCN

Bên cạnh đó, PGS.TS. Mai Hà cũng chia sẻ về những khó khăn trong việc thúc đẩy đăng ký, thương mại hóa sáng chế. Ông cho biết: "Số lượng đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mặc dù người Việt Nam yêu lao động và có đầu óc sáng tạo trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Khó khăn trong việc thúc đẩy đăng ký, thương mại hóa sáng chế có 2 khâu: thứ nhất, do thiếu vắng môi trường cạnh tranh lành mạnh, nói cách khác là thiếu vắng môi trường tôn trọng và đánh giá sáng tạo (đó là khi sáng tạo cũng không hơn gì mấy so với không sáng tạo, hay sáng tạo xong thì bị người khác cướp công…), nên người dân không hào hứng sáng tạo. Thứ hai: việc quản lý và bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa thật hiệu quả nên người dân chưa hiểu biết cách thức để đăng ký và cũng chưa quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và thương mại hóa".

Vì vậy có thể thấy, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở rất gần, để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan chức năng, các nhà quản lý, hiệp hội doanh nghiệp…đồng hành cùng người nông dân sáng chế, qua đó, khẳng định vị thế ngành nông nghiệp Việt Nam trên thế giới.

Đánh giá về những thành tựu, sáng chế của người nông dân, tại triển lãm quốc tế Thiết bị và Công nghệ Nông – Lâm – Ngư nghiệp (VietNam Growtech 2018), ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp - Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, người nông dân Việt Nam rất sáng tạo. Nhiều người nông dân trong quá trình lao động, sản xuất đã sáng chế ra các sản phẩm giàu hàm lượng công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nghiệm cũng thừa nhận, sở dĩ nhiều dự án, công trình nghiên cứu của bà con nông dân mới chỉ dừng lại ở khâu ý tưởng, nhiều dự án bị lãng quên… là bởi các nghiên cứu khoa học của bà con chủ yếu vẫn dựa vào suy nghĩ chủ quan của cá nhân mà chưa theo sát nhu cầu thị trường, do đó không có tính thương mại cũng như hạn chế về khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

Hương Mi