Ông Hoàng Thanh Liêm: Thầy giáo bỏ nghề về làm nhà sáng chế của nông dân

(SHTT) - Bỏ nghề giảng viên, ông Hoàng Thanh Liêm quyết tâm trở về quê sáng chế ra máy móc giúp đỡ bà con nông dân đỡ khổ. Với hàng loạt sáng chế, ông đã nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng cao quý.

Được biết, vào năm 1989, ông Hoàng Thanh Liêm tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và đi dạy học ở một số trường. Với nhiều thành tích trong công việc, ông được chuyển công tác lên TP.HCM, song, cuộc sống nơi phố thị không giữ được chân ông khi cảnh nhọc nhằn của bà con nông dân vẫn còn hiện trước mắt.

Năm 2000, ông Liêm nghỉ dạy về quê làm ruộng và quyết tâm phải làm ra những sản phẩm giúp người nông dân vơi đi nhọc nhằn. Cứ thế hàng trăm sản phẩm ra đời, tiêu biểu như:máy tra hạt, máy xúc lúa vào bao; máy phun xịt bảo vệ thực vật tự chạy và điều khiển bằng tay lái; dụng cụ tỉa hạt; máy tỉa bắp, đậu; máy trồng khoai lang dây; máy diệt bướm, diệt sâu rầy.... được bà con đón nhận rất nhiệt tình vì hiệu quả sử dụng thiết thực

 Ông Hoàng Thanh Liêm: Thầy giáo bỏ nghề về làm nhà sáng chế của nông dân. Ảnh: Khám phá

Cụ thể, vào năm 2004, ông nhận thấy công việc gieo hạt thủ công rất mất thời gian vì vậy chiếc chày trỉa hạt đầu tiên ra đời.

Chày tra hạt gồm một ống dài, phía trên có hộp dựng hạt. Nếu như trước đây một người tạo lỗ, một người bỏ hạt thì với sáng chế này, khi đâm ống chày xuống đất chọc lỗ, hạt sẽ từ hộp rơi xuống. Sau này sáng chế được ông cải tiến thành xe đẩy gieo hạt. Với thiết kế mới, bánh xe có các lỗ đều nhau, xe đi tới đâu hạt giống rơi tới đó và đều tăm tắp.

Sáng chế mà ông tâm đắc nhất là máy xúc lúa và nông sản vào bao được làm từ năm 2007 đến 2009. Vào vụ thu hoạch, có sân phơi hàng nghìn tấn thóc, nhưng chỉ với cơn mưa đột ngột, bà con xúc vào trong không kịp, thóc bị ướt nhiều, nông dân phải đối mặt với nguy cơ mất mùa. Chiếc máy xúc lúa và nông sản vào bao sẽ khắc phục được điều đó, thay thế sức lao động chân tay cho nông dân.

 

Máy giống chiếc xe đẩy, khi động cơ khởi động, phía trước bộ phận guồng quạt sẽ cào nông sản vào khoang. Tiếp đó, trụ đứng có guồng xoáy trôn ốc bên trong đưa nông sản lên và chảy vào bao chứa. Ông còn thiết kế số tự động để khi người sử dụng mệt máy có thể hoạt động. Máy chạy mỗi giờ tốn 1,5 kw điện. Sản phẩm nhận được sự ủng hộ của bà con khắp nơi. Đến nay ông đã bán được hơn 50 chiếc.

Với hàng loạt sáng chế hữu ích của mình, ông Liêm đã đoạt được nhiều giải thưởng như Giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Cần Thơ năm 2009, Giải Nhất Tuần chương trình Nhà sáng chế của VTV2 năm 2013. Ông cũng nằm trong danh sách đạt giải hội Thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc hội nông dân Trung ương tổ chức năm 2015.

Ông “Kỹ sư chân đất” là cách gọi trìu mến của bà con nông dân khi nhắc đến ông Hoàng Thanh Liêm, như gởi gắm niềm tin và ghi nhận những đóng góp thiết thực của ông vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Ông là một trong những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ nông dân trong thời đại mới: thông minh, sáng tạo, nhạy bén ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thiết thực góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Hà Trần (t/h)