Thách thức của Việt Nam trong đổi mới sáng tạo

(SHTT) - Toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và là một xu thế tất yếu đối với sự phát triển của thế giới ngày nay. Tuy nhiên nó cũng là thách thức của Việt Nam khi đổi mới sáng tạo.

 Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo Đổi mới sáng tạo cho các quốc gia đang phát triển Đông Á, trong đó nhận định đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng để tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia Đông Á trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Trong suốt quá trình thực hiện cải cách từ những năm 1990, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để chuyển đổi hệ thống đổi mới sáng tạo và tìm kiếm con đường cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo xu hướng này, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và Khoa học và công nghệ, đặc biệt được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa.

Tuy nhiên Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong công cuộc đổi mới sáng tạo.

Thách thức của Việt Nam trong đổi mới sáng tạo 

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ 3 khó khăn, thách thức lớn nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới sáng tạo và thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Đó là: Nguồn lao động đông đảo, dồi dào, vừa là một lợi thế nhưng cũng là hạn chế khi nguồn lao động này lại thiếu chuyên môn sâu và trình độ công nghệ cao để có thể chủ động áp dụng được đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Vì vậy, nếu muốn đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thì phải dịch chuyển cơ cấu kinh tế vĩ mô và cơ cấu kinh tế nội ngành toàn diện gắn với giáo dục. Những chính sách này đòi hỏi Việt Nam phải có một quãng thời gian khoảng 10-15 năm.

Hơn nữa, 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, chưa có đổi mới mạnh về tư duy để bắt kịp xu hướng về công nghệ. Vì vậy, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp gắn với đổi mới công nghệ và thị trường là thách thức lớn thứ hai của Việt Nam trong thời gian tới.

Cuối cùng là những bất cập tồn tại trong việc triển khai các hiệp định thương mại song phương, đa phương đi vào cuộc sống, để doanh nghiệp nhận thức được và tham gia vào chuỗi toàn cầu.

Mặc dù phát triển khoa học và công nghệ đã được Đảng và nhà nước chú trọng trong thời gian qua từ nguồn ngân sách đầu tư, đã tạo ra được nhiều thay đổi về nền tảng cho nghiên cứu khoa học như cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ đã được tăng cường, từ vật chất đến nguồn nhân lực, đã có được những đề tài khoa học và sản phẩm công nghệ có giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều năm, các chính sách đổi mới, khoa học và công nghệ của Việt Nam tập trung nhiều cho các nghiên cứu và phát triển và sáng tạo tri thức mà chưa tập trung cho các doanh nghiệp lựa chọn, ứng dụng và hấp thu tri thức.

Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ít sử dụng và cải tiến công nghệ, đổi mới. Các chính sách cũng thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu, dẫn đến các sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế trong thương mại hóa, hoặc thiếu các nghiên cứu ứng dụng, điều này làm hạn chế tiến bộ công nghệ đóng góp vào tăng trưởng năng suất.

Minh Hà