Lão nông An Giang và những sáng chế hữu ích dành cho bà con

(SHTT) - Vừa gọn, nhẹ dễ di chuyển vừa rút ngắn thời gian và công sức lao động, đó là tính ưu việt của nông cụ do ông Phạm Văn Đậm ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vừa sáng kiến giúp nhà vườn cắt sạch cỏ trong chớp nhoáng.

 Ở An Giang, khi nhắc đến biệt danh "nông dân rặt", ai cũng biết đến đó là tên gọi thân mật dành cho lão nông Phạm Văn Đậm (59 tuổi, ngụ tại xã Thanh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang).

Là con trong một gia đình thuần nông, hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên ông Đậm chỉ học đến lớp 3 “trường làng” thì phải nghỉ học để phụ giúp gia đình mưu sinh. Ông Đậm chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã mê nghiên cứu sáng tạo máy móc. Nhà có vật dụng gì hư, tôi đều lôi ra sửa. Làm riết rồi quen, đến chừng năm 13 - 14 tuổi, tôi tự mình có thể sửa chữa được chiếc máy cô-le. Sau này, tôi tự thiết kế máy xay xát nhỏ dùng trong gia đình và phục vụ bà con lân cận”.

Lão nông An Giang và những sáng chế hữu ích dành cho bà con 

Đam mê trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo máy móc, ông Đậm đã có nhiều sáng chế hữu ích trong cuộc sống. Điển hình như chiếc máy tưới rẫy tự động đỡ tốn công sức, đang được nhiều bà con nông dân ưa chuộng. Ông cho biết: “Trước đây, nhà có 1 héc-ta đất trồng rẫy. Nhận thấy công việc tưới tiêu mất nhiều công sức, tốn kém thời gian khi tưới bằng tay nên tôi suy nghĩ giải pháp giúp đỡ bà con và bản thân mình giải phóng sức lao động”. Chiếc máy tưới rẫy tự động được sáng chế với nhiều ưu điểm như dễ vận hành, rút ngắn thời gian tưới tiêu, giá thành thấp… nên được nhiều bà con trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Sau thành công về cải tiến máy cắt chặt, tỉa nhánh cây và chiếc máy tưới rẫy di động, ông Phạm Văn Đậm lại có thêm một sáng kiến mới, đó là xe cắt cỏ.

Sản phẩm hình thành khi quê ông có nhiều nông dân canh tác lúa, trồng hoa màu hay làm vườn với diện tích lớn mà không kịp làm cỏ. Thực trạng đó là động lực thúc đẩy ông chế xe cắt cỏ thay vì nông dân phải mang máy cắt cỏ trên vay.

Hình dáng đơn giản nhưng để có thêm công cụ tiện ích ông Đậm phải mất nhiều năm nghiên cứu bởi yếu tố quan trọng nhất vẫn là việc cân bằng giữa trọng lượng máy cắt cỏ và giàn khung sườn sao cho chiếc máy hoạt động an toàn, hiệu quả, nhanh chóng.

“Bánh trục thì phải cân bằng, phải tính cách nào đồng nhất để người ta thao tác dễ. Nguyên lý hoạt động cũng như các loại máy bình thường khác thôi nhưng ở đây mình rút ngắn cây láp lại rồi để lên bánh xe gắn động cơ lên, tùy theo động cơ nặng hay nhẹ. Lớn hay nhỏ mà mình cân bằng”, ông Phạm Văn Đậm cho biết.

Với sáng kiến kỹ thuật độc đáo, nhà vườn ở Thạnh Mỹ Tây cũng như các vùng lân cận trong tỉnh hiện rất ưa chuộng bởi tính năng tiện ích, đảm bảo an toàn trong lao động. 1 giờ máy có thể cắt 1.000 m2 cỏ mọc hoang.

Minh Thư