Sáng chế xe đạp trên mặt nước của sinh viên Khánh Hòa

(SHTT) - Sản phẩm xe đạp có thể di chuyển trên mặt nước của sinh viên Trần Đức Tuấn (Khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Nha Trang, Khánh Hòa) được đánh giá cao vì tính hữu ích, giúp phục vụ du lịch, nhu cầu hoạt động thể dục thể thao hay đời sống người dân.

Theo chia sẻ của em Trần Đức Tuấn, mục đích của đề tài nghiên cứu là làm cho một chiếc xe đạp thông thường, sau khi được gắn thêm các thiết bị cùng lắp ráp hệ thống phao, truyền động, khung sườn sẽ trở thành một chiếc xe đạp có thể giúp di chuyển trên nước.

Qua quá trình phân tích các loại xe đạp nước điển hình trên thế giới và Việt Nam, kế thừa những ưu điểm và loại bỏ những khuyết điểm các loại xe đã có, sản phẩm của Tuấn dần tiếp cận được những tiêu chí như: Giá thành thấp, tháo lắp nhanh, tiện lợi. Điểm khác biệt và độc đáo của sản phẩm so với các loại xe đạp dưới nước khác là các bộ phận giúp di chuyển trên mặt nước của xe có thể linh động tháo, lắp để vừa có thể di chuyển trên đường bộ lẫn dưới nước.

Sáng chế xe đạp trên mặt nước của sinh viên Khánh Hòa 

Cấu tạo của xe đạp trên mặt nước gồm 1 chiếc xe đạp thông thường được gắn thêm những chi tiết cần thiết; 2 phao bơm hơi; chân vịt; cáp truyền động; khung kim loại tháo lắp được. Cơ chế hoạt động của xe khá đơn giản, bộ phao đôi với chiều dài 2m được bơm không khí giúp xe nổi trên mặt nước. Khi gắn xe vào hệ thống khung, bánh xe sau tiếp xúc với hệ thống truyền động, khi đạp xe sẽ tạo ma sát lên bộ truyền động được liên kết với chân vịt, giúp xe di chuyển về trước; bánh xe trước được kết nối với bộ điều hướng giúp điều chỉnh hướng đi. Việc lắp ráp để từ một chiếc xe đạp bình thường thành xe đạp trên mặt nước mất khoảng 15 đến 20 phút. Hoạt động tuy đơn giản, nhưng để chế tạo ra lại không hề dễ dàng, vì cần có các chi tiết, linh kiện, Tuấn và giảng viên hướng dẫn đều phải tự chế tạo hay tái sử dụng các chi tiết của máy móc khác, tinh chỉnh sao cho hoạt động ổn định.

Sản phẩm được đánh giá là có tính ứng dụng cao, giá thành rẻ hơn các sản phẩm đang có trên thị trường, hướng tới đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong dịch vụ du lịch, phục vụ nhu cầu hoạt động thể dục thể thao hay đời sống người dân.

Trước đó, sinh viên Mai Quốc Sáng - Phó Bí thư Đoàn Viện Công nghệ sinh học và môi trường, Trường Đại học Nha Trang cũng được nhiều người biết đến với các công trình thiết thực, mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Với mong muốn hỗ trợ các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, Sáng đã đảm nhận thực hiện công trình thanh niên Vườn rau hữu cơ cho đoàn trường với vai trò chủ nhiệm mô hình, thực hiện công trình tại Mái ấm Anh Đào (thị xã Ninh Hòa). Sau gần 1 tháng thực hiện, vườn rau đã hoàn thiện với diện tích hơn 600m2, được thực hiện với 3 tiêu chí: không sử dụng thuốc kích thích, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng phân bón hóa học. Các loại rau được trồng gồm: cải, mồng tơi, muống, dưa leo, bí chanh, mướp... đã giúp cải thiện bữa ăn cho 70 em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại Mái ấm Anh Đào. Với mô hình Vườn rau hữu cơ, vừa qua, Sáng đã đạt giải ba cuộc thi Festival Sáng tạo trẻ Khánh Hòa năm 2015 do Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Minh Hà