Phát hiện loại phân tử có thể tiêu diệt tới 90% tế bào ung thư tuyến tụy trong 2 tuần

(SHTT) - Các nhà khoa học Israel mới đây đã phát hiện được phân tử PJ34 thường dùng trong điều trị đột quỵ có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tế bào ung thư tuỵ khi tiêu diệt được tới 90% tế bào ung thư tuỵ trên chuột thí nghiệm.

Theo kết quả được công bố của các nhà khoa học Israel, kết quả thử nghiệm trên chuột vượt quá mọi mong đợi: ở loài gặm nhấm, đã giảm 90% số lượng tế bào ung thư tuyến tụy sau khi điều trị bằng một phân tử có tên là PJ34. 

Giáo sư Malka Cohen-Armon và một nhóm các nhà khoa học từ Trường y Sackler tại Đại học Tel Aviv đã tiến hành một thử nghiệm cấy ghép ung thư tuyến tụy ở người vào chuột. Hệ thống miễn dịch của chuột được điều chỉnh một cách nhân tạo để cơ thể chúng không đào thải các tế bào được cấy ghép.

Phối hợp với một nhóm khoa học do giáo sư Talia Golan thuộc Khoa ung thư tại Trung tâm y tế Sheba phụ trách, các nhà khoa học đã tiêm cho chuột phân tử PJ34 trong 14 ngày liên tiếp. Ban đầu, PJ34 được phát triển để điều trị đột quỵ.

 

Nhưng ngay từ năm 2017, các nhà khoa học cho rằng nó có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tế bào ung thư ở người. Phân tử làm chậm đáng kể sự sinh sôi nảy nở của các tế bào ung thư, dẫn đến cái chết nhanh chóng của chúng.

Một tháng sau khi tiêm phân tử, số lượng tế bào ung thư trong khối u của chuột đã giảm 80-90%.

Đặc biệt, trong quá trình thí nghiệm, toàn bộ khối u ở một con chuột trong số các đối tượng đã biến mất hoàn toàn.

Giáo sư Malka Cohen-Armon cũng thông tin thêm rằng những con chuột tham gia thí nghiệm không hề gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào từ việc tiêm phân tử PJ34. Đồng thời, các nhà khoa học đã ghi nhận hoàn toàn không có những thay đổi về trọng lượng hoặc hành vi của loài gặm nhấm.

Các nhà nghiên cứu cũng kết luận được rằng phân tử PJ34 chỉ làm gián đoạn quá trình sinh sôi của các tế bào ung thư mà không ây bất kỳ tác động nào lên các tế bào bình thường.

Mặc dù PJ34 có thể ảnh hưởng đến các loại tế bào ung thư khác, nhưng hiệu quả trong điều trị ung thư tuyến tụy là ấn tượng nhất. Đây là dạng ung thư phổ biến thứ 12 trên thế giới và là nguyên nhân hàng đầu thứ tư gây tử vong do ung thư.

 

Loại ung thư này thường kháng với các phương pháp điều trị hiện có. Chẩn đoán sớm ung thư tuyến tụy là rất khó khăn, vì thường không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh ung thư này. Kết quả là, khoảng 80% bệnh nhân được chẩn đoán khi đã di căn và ít hơn 3% bệnh nhân trong giai đoạn di căn sống sót hơn 5 năm sau khi chẩn đoán.

Theo các chuyên gia, các nghiên cứu của các nhà khoa học Israel có tiềm năng lớn để phát triển các liệu pháp hiệu quả mới để điều trị căn bệnh ung thư hung hãn này ở người.

Nó cũng có thể là một phương thuốc cực kỳ quan trọng chống lại các dạng ung thư vú, phổi, não và buồng trứng ác tính. Một nhóm khoa học sẽ tiếp tục thử nghiệm trên động vật có vú, và sau đó trên các bệnh nhân tự nguyện.

Nhóm sẽ tiếp tục thí nghiệm phương pháp này trên lợn và sau đó sẽ đề xuất để được thử nghiệm trên người.

Vũ An