Fox cùng hàng loạt đối thủ nộp đơn đăng ký sở hữu nhãn hiệu ‘OK boomer’

(SHTT) – Theo một cơ sở dữ liệu của cơ quan sáng chế liên bang, đã có ít nhất 5 hồ sơ đăng ký sở hữu nhãn hiệu cho meme nổi tiếng ‘OK boomer’.

‘OK boomer’ được sử dụng với mục đích đơn giản là chọc tức những người có suy nghĩ già nua hoặc truyền thống, không "mới lạ" theo xu hướng của giới trẻ hiện nay. Meme này bắt đầu bùng nổ vào đầu năm 2019 qua một bức ảnh về Doge Meme cùng dòng chữ ‘Ok Boomer = Ok Retard Doge’.

Trước sự hưởng ứng đông đảo của người dùng mạng xã hội, hàng loạt nhà kinh doanh đã cho ra mắt các sản phẩm trang trí dòng chữ ‘OK boomer’ như áo phông, ốp điện thoại,…

‘OK boomer’ hiện là meme nổi tiếng và được giới trẻ sử dụng rộng rãi 

Sự phổ biến của meme này ngày càng tăng lên, minh chứng là đã có rất nhiều hồ sơ đăng ký sở hữu độc quyền nhãn hiệu này, hai trong số đó là cho các chương trình truyền hình.

Trong số này, hồ sơ của công ty Truyền thông Fox thu hút nhiều sự chú ý nhất. Được biết, công ty này đã nộp đơn vào ngày 11 tháng 11 với dự định ra mắt một series chương trình thực tế, hài và gameshow có tên ‘OK BOOMER’.

Tuy nhiên, Fox không phải là người duy nhất nộp nhãn hiệu cho cụm từ nổi tiếng này.

Trước đó, vào ngày 31 tháng 10, một người đàn ông tên Kevin Yen sống ở New York đã đệ trình hồ sơ đăng ký, mô tả ý định sử dụng cụm từ trên cho các mặt hàng quần áo.

Ngày 12 tháng 11, công ty trang sức Rust Belt Creations đã nộp đơn đăng ký với kế hoạch sử dụng ‘OK boomer’ cho đề can và nhãn dán.

Một ngày sau đó, nhà sản xuất William Grundfest đã đăng ký nhãn hiệu này cho một chương trình truyền hình. Theo Grundfest, ‘OK boomer’ sẽ được dùng cho một loạt các buổi biểu diễn trên sân khấu trực tiếp về "sự khác biệt thế hệ".

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Josh Gerben, nhà sáng lập công ty luật Gerben Law Firm, cho biết: “Trong tất cả khả năng, Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ USPTO sẽ từ chối tất cả các đơn đăng ký này, bởi lẽ, OK BOOMER đã trở thành một câu nói được sử dụng rộng rãi".

Ông Gerben cũng cho biết một nhãn hiệu phải là đặc điểm nhận diện nguồn gốc sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty hay cá nhân. Một câu nói được lan truyền rộng rãi bởi nhiều người như ‘OK boomer’ sẽ không thể hoạt động hợp pháp với vai trò của nhãn hiệu.

Theo luật sư Gerben, trong tương lai, có thể sẽ còn xuất hiện rất nhiều hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cụm từ ‘OK boomer’, đồng thời, ông cũng đưa ra cảnh báo rằng những meme “gây bão” này sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Thúy Hằng