Sáng chế vật liệu giúp giảm rác thải nhựa của sinh viên

(SHTT) - Một sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Sussex đã chế tạo thành công một tấm phim trong suốt, được làm từ chất thải của cá, có thể giúp chống ô nhiễm nhựa.

Lucy Hughes đã tạo ra 'MarinaTex' như một minh chứng cho tấm bằng chuyên ngành thiết kế sản phẩm của mình. Tấm giấy trong suốt này được làm từ protein trong vảy cá và da, các sản phẩm thải của ngành đánh bắt cá và có thể được ủ sau khi sử dụng. Nó được ca ngợi như một phát minh 'đột phá' có thể làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của con người vào bao bì nhựa sử dụng một lần.

 

Sáng chế này đã mang về cho Lucy giải thưởng James Dyson, một sự công nhận danh giá nhằm tôn vinh, khuyến khích và truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế với những ý tưởng giúp giải quyết các vấn đề trong thực tế. Lucy cũng đã giành được một giải thưởng từ Plus X ở Brighton, nơi đã đề nghị tuyển cô vào vị trí cố vấn chuyên môn.

 

Lucy mất khoảng 100 lần thử nghiệm để hoàn thiện công thức, với phần lớn công việc được thực hiện trong nhà bếp của riêng cô. Theo dự đoán, trong 30 năm nữa, lượng rác thải nhựa trôi nổi sẽ còn nhiều hơn số lượng cá ở các vùng biển. Lucy hy vọng sản phẩm của cô sẽ góp phần thay đổi điều đó.

 

 Ở Việt Nam, nhiều sinh viên cũng đã cho ra đời những sáng chế giúp bảo vệ môi trường. Cụ thể, 2 nữ sinh là em Nguyễn Cẩm Bình Minh (lớp 12) và em Nguyễn Cẩm Kiều Khanh (lớp 11, trường THPT chuyên Quốc học Huế) đã sáng chế ra túi sinh học kháng khuẩn tự phân hủy thay túi ni lông.

Chia sẻ với báo chí, Bình Minh cho hay nguyên liệu để các em chế tạo túi sinh học kháng khuẩn là dung dịch bạc nano 100 ppm, Polyvinyl anlcol (PVA) tinh khiết dạng bột, tinh bột sắn và glyxerol 99%. Kiều Khanh cũng cho biết thêm rằng ý tưởng này xuất phát từ việc em vô tình phát hiện bột lọc có khả năng tạo được màng mỏng có độ bền nên em nghĩ đến việc dùng tinh bột cán mỏng thành màng rồi từ màng tạo thành túi. 

 

Các chất có chứa trong dung dịch bạc nano tạo sự ổn định cho nano bạc và tăng cường tính chất kháng khuẩn của dung dịch. Còn tinh bột sắn có khả năng tạo túi mỏng do chính nó và cả khi phối trộn với các phụ liệu tạo túi khác đồng thời có khả năng tự phân hủy nhanh trong môi trường tự nhiên.

Để tạo túi, các phần tử tinh bột dàn phẳng ra sắp xếp lại và tương tác trực tiếp với nhau nhờ liên kết hydro và gián tiếp qua phân tử nước, PVA có khả năng tạo túi, túi PVA có độ bền kéo đứt tốt.

Sự kết hợp của PVA và tinh bột sẽ tạo ra một sản phẩm giúp cải thiện các tính chất của các nguyên liệu để tạo túi. Ngoài ra, các em còn sử dụng các nguyên liệu phụ gia cần thiết như glyxerol trong chế tạo màng từ nano bạc và tinh bột sắn để làm tăng khả năng gia công của tinh bột.

Như vậy chiếc túi sinh học này có khả năng phân hủy trong thời gian 2 tháng, có độ an toàn, bền, trong thành phần có tổ hợp nano bạc nên có khả năng kháng khuẩn.

Nguyên Mừng