Google siết chặt chính sách quảng cáo về vấn đề chăm sóc sức khỏe thiếu cơ sở khoa học

(SHTT) - Theo thông tin mới từ Google, từ tháng 10/2019, họ sẽ áp dụng chính sách mới cho quảng cáo dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như phương pháp điều trị để bảo vệ người dùng khỏi việc tiếp xúc với các thông tin chưa được kiểm chứng có thể gây nguy cơ cho sức khỏe.

Theo support.google.com, kể từ ngày 1/10/2019, mạng tìm kiếm Google sẽ sử dụng chính sách mới đối với việc quảng cáo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như phương pháp điều trị.

Lệnh cấm sẽ bắt đầu được áp dụng đối với việc quảng cáo các loại thuốc thử nghiệm và chưa đăng ký, không có cơ sở y sinh hoặc khoa học.

Chính sách mới này cũng được áp dụng đối với các phương pháp điều trị bắt nguồn từ những phát hiện khoa học cơ bản và kinh nghiệm lâm sàng sơ bộ nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ hoặc được công nhận chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền để được đưa vào áp dụng phổ biến.

Các nội dung  quảng cáo liên quan tới phương pháp chữa bệnh hay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe  sẽ bị Google kiểm duyệt chặt chẽ hơn.

Hầu hết các biện pháp cấm trên liên quan đến quảng cáo các liệu pháp dựa trên tế bào gốc và liệu pháp di truyền không có bằng chứng khoa học.

Đại diện của Google cho biết, những chính sách mới này được dưa ra nhằm bảo vệ người dùng khỏi việc sử dụng các phương pháp điều trị được truyền bá rộng rãi nhưng có tính hiệu quả và độ an toàn chưa được chứng minh hoặc có thể gây hại cho sức khỏe của những người được tiếp cận thông tin và làm theo.

Trước đó, tờ BBC đã thực hiện một cuộc điều tra nhỏ trên Youtube - một sản phẩm nổi tiếng của Google - về các nội dung nói tới việc điều trị bệnh ung thư và phát hiện ra có rất nhiều video chia sẻ các thông tin và phương pháp chữa trị chưa được qua kiểm chứng. Điều đáng nói đó là, các video với nội dung "hoang đường" này đều nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng động với lượt xem được tính lên tới hàng triệu. 

 Elizeu Correia đến từ Brazil đăng tải một video lên Youtube với nội dung chia sẻ về việc ăn mướp đắng có tác dụng trong việc điều trị ung thư.

"Một số thông tin trên YouTube và internet thực sự rất nguy hiểm và không được sàng lọc", Giáo sư Justin Stebbing, chuyên gia ung thư hàng đầu tại Đại học Hoàng gia London, nhận xét.

Các chuyên gia cũng chỉ ra những nguy hiểm của thông tin do người dùng tạo ra trên mạng xã hội như YouTube, đó là phần nhiều chúng được giới thiệu không dựa nền tảng y khoa nào.

Phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Georgia Southern, Isaac Chun-Hai Fung cho biết ông cùng với sinh viên của mình thực hiện một cuộc nghiên cứu trên YouTube và phát hiện ra rằng bất kể chủ đề là gì, đa số những video nằm trong top 100 clip phổ biến nhất trên kênh này do những người không có chuyên môn về sức khỏe cũng như không có kiến thức về khoa học thực hiện.

"Cần có các video giáo dục chất lượng cao bằng nhiều ngôn ngữ cho những người không chuyên. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên phối hợp với các chuyên gia truyền thông. Tôi không nghĩ hiện nay có đủ đầu tư và sự quan tâm vào điều này", ông Fung phát biểu.

YouTube đã từ chối yêu cầu phỏng vấn của BBC. Trong một phản hồi đáp lại yêu cầu của phóng viên, công ty nói rằng: "Thông tin sai lệch là một vấn đề khó khăn cũng là thách thức. Chúng tôi vẫn đang cố gắng để giải quyết vấn đề này".

Có lẽ chính sách mới của Google chính là động thái phản hồi tích cực đối với các thông tin phản ánh từ báo đài trong suốt thời gian vừa qua.

 

Lâm An