Điểm danh hàng loạt ông lớn của Mỹ bị "cấm cửa" tại Trung Quốc

(SHTT) - Trung Quốc khá nổi tiếng vì họ gần như sử dụng tất cả các ứng dụng mạng riêng mà không chừa cửa cho bất kỳ "tên ngoại quốc" nào có cơ hội tồn tại trên đất nhà. Điều này đúng ngay cả đối với những kẻ có tầm ảnh hưởng lớn của Mỹ như Google, Facebook,...

Việc Mỹ cấm vận Huawei kéo theo hàng loạt các công ty Mỹ ngưng hợp tác đang khiến giới công nghệ dậy sóng mấy trong thời gian này. Nhưng, nếu như điểm lại lịch sử làng công nghệ một chút, chúng ta có thể thấy được đã có rất nhiều công ty Mỹ đã bị Trung Quốc cấm cửa tại thị trường tỉ dân này. Một vài cái tên nổi bật có thể nhắc tới bao gồm Google, Facebook, WhatsApp, Youtube,...

Google từng có văn phòng tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhưng hầu hết các dịch vụ của hãng này đã bị chặn bởi Great Firewall .Google đặt chân đến Trung Quốc vào năm 2000 với sản phẩm đầu tiên là trình tìm kiếm hỗ trợ tiếng Trung giản thể và phồn thể. Google News cũng được phát hành vào 4 năm sau đó nhưng đến năm 2006, Google bắt đầu đối mặt với chính sách kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc. Tháng 3 năm 2009, Trung Quốc đã chặn YouTube, nhiều dịch vụ khác của Google cũng bị chặn sau đó. Thị phần của Google Search dần rơi vào tay của Baidu và Soso.

 

Đến năm 2010, các hacker Trung Quốc tấn công Google và nhiều công ty công nghệ Mỹ, Google phản ứng bằng cách không kiểm duyệt kết quả tìm kiếm tại Trung Quốc nữa và có thể rút lui hoàn toàn nếu cần. Các kết quả tìm kiếm từ Google.cn được chuyển hướng về Google.com.hk tại Hong Kong, không kiểm duyệt. Đến năm 2014, dịch vụ Gmail và Chrome cũng như các dịch vụ dựa trên trình tìm kiếm Google không còn hỗ trợ người dùng Trung Quốc.

 

Microsoft Bing cũng là nạn nhân của Great Firewall. Trước đó Bing được phép hoạt động tại Trung Quốc nhờ cơ chế kiểm duyệt kết quả đáp ứng chính sách của chính phủ nước này. Bing bị cấm rồi mở rồi cấm nhiều lần, vụ gần đây nhất diễn ra hồi tháng 1/2019, Bing một lần nữa bị Great Firewall chặn truy cập nhưng không phải vì lý do kiểm duyệt mà là theo chỉ thị của chính phủ.

Trình tìm kiếm bảo mật DuckDuckGo cũng bị chặn tại Trung Quốc vào năm 2014 vì bản chất trình tìm kiếm này không thu thập thông tin cá nhân, không chia sẻ bất cứ dữ liệu nào về người dùng với các bên thứ 3. Dĩ nhiên Trung Quốc không thích điều này và DuckDuckGo bị chặn bởi Great Firewall.

 

Facebook bị cấm tại Trung Quốc kể từ tháng 7/2009. Mặc dù đã bỏ ra nhiều nỗ lực để quay lại sau đó, nhưng lần gần đây nhất, vào năm 2018, Facebook vẫn phải tay trắng về nước trước sự gay gắt của chính phủ Trung Quốc.

Bên cạnh Facebook, nhiều mạng xã hội khác cũng không đáp ứng được chính sách kiểm duyệt nội dung cũng bị cấm tại Trung Quốc như Twitter, Snapchat, Instagram, Reddit, Pinterest. Hiện tại người dân Trung Quốc chỉ được sử dụng các mạng xã hội nội địa như WeChat, Sina Weibo, QQ, Renren. Thậm chí cả mạng hẹn hò Tinder mới đây cũng bị cấm tại Trung Quốc.

Rất nhiều đứa con của Mỹ đã bị "chặn cửa" khi đến với thị trướng Trung Quốc. 

Các dịch vụ nhắn tin nổi tiếng cũng nối gót các mạng xã hội, Facebook bị chặn dĩ nhiên bao gồm cả Messenger, sau đó là WhatsApp. Chính phủ Trung Quốc hiển nhiên không muốn người dân sử dụng nền tảng nhắn tin mã hóa. Ngoài ra nền tảng Slack chuyên dùng để nhắn tin làm việc nhóm cũng bị chặn.

Người Trung Quốc cũng không được tiếp cận với những nền tảng chia sẻ video. Không YouTube đã đành, họ cũng không được xem video trên các nền tảng như Dailymotion, Vimeo, xem game trên Twitch và không thể thuê bao xem các series phim cực hay trên Netflix. Tất cả đều bị cấm theo yêu cầu của chính phủ.

Mai An