Nhãn hiệu tập thể Mộc Thái Yên - Hà Tĩnh: Cơ hội và thách thức trên thị trường

(SHTT) - Sở KH&CN đã phối hợp cùng UBND huyện (Đức Thọ - Hà Tĩnh) tổ chức lễ công bố quyết định và trao chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Mộc Thái Yên". Đây là cơ hội để nâng cao danh tiếng sản phẩm và nâng cao đời sống của bà con nhân dân.

Sáng 20/4, tại cụm công nghiệp Thái Yên, lễ công bố quyết định và trao chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Mộc Thái Yên, Hà Tĩnh đã diễn ra thành công. 

Sau khi được bảo hộ, nhãn hiệu tập thể "Mộc Thái Yên" sẽ do Hội Nghề mộc Thái Yên (xã Thái Yên, huyện Đức Thọ - hiện có 94 hội viên) quản lý và sử dụng.

Với việc đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên”, các cá nhân, tổ chức thuộc Hội Nghề mộc Thái Yên sẽ có thêm công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật thông qua việc quản lý và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), chống các hành vi xâm phạm quyền.

  Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Mộc Thái Yên"

Việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên”, các công cụ quảng bá, phát triển thương hiệu chung và riêng sẽ bảo đảm tính thống nhất nhận diện thương hiệu và tuân thủ các quy định chung về sử dụng logo, tem, nhãn sản phẩm. Bên cạnh đó, việc khai thác và phát triển hiệu quả quyền SHTT sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm mộc truyền thống, mở rộng hơn nữa thị trường trong nước và hướng đến việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Nghề mộc Thái Yên (xã Thái Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã tồn tại cách đây hàng trăm năm. Lúc đầu, chỉ sản xuất những vật dụng thông thường như: mâm, khay, hương án... để thờ tự. Sau này sản xuất thêm bàn ghế, giường, tủ, sa-lông, tràng kỷ, lục bình, khung tranh ảnh, khung gương, tượng bằng gỗ… Các sản phẩm đã tăng được tính cạnh tranh trên thị trường với các làng nghề gỗ mỹ nghệ khác trong cả nước, được khách hàng ưa chuộng. 

 

Hiện nay, tại xã Thái Yên có hơn 1.000 cơ sở chuyên sản xuất, cửa hàng kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ thô và đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp từ nghề mộc. Riêng trong năm 2018, giá trị thu nhập từ sản xuất các sản phẩm “Mộc Thái Yên” đạt hơn 113 tỷ đồng.

Mới đây, Sở KH&CN Hà Tĩnh và UBND huyện Hương Sơn cũng đã tổ chức lễ công bố chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn. Sản phẩm nhung hươu được cấp giấy chứng nhận gồm: Nhung hươu tươi, nhung hươu đông lạnh và nhung hươu khô.

Sự kiện công bố chỉ dẫn địa lý nhung hươu Hương Sơn đã và đang mở ra hướng đi mới cho sản phẩm của Hà Tĩnh, nhất là những sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện để những sản phẩm có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của Hà Tĩnh được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Hải Linh