Theo chân Audi và Ford, Mitsubishi Việt Nam tiếp tục triệu hồi xe

(SHTT) - Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt các mẫu xe hạng sang đều bị triệu hồi tại thị trường Việt Nam. Và mới đây nhất, Mitsubishi Việt Nam lại ra thông báo triệu hồi 2 mẫu xe Outlander và Outlander PHEV (Plug-in Hybrid Electric Vehicle).

Mitsubishi sau khi báo cáo và được thông qua bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam, đã chính thức thực hiện ba đợt triệu hồi liên tiếp đối với các mẫu crossover Outlander và Outlander PHEV được lắp ráp và phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam. Tổng số xe nằm trong 3 đợt triệu hồi này lên tới gần 1.000 chiếc và được sản xuất trong khoảng thời gian từ 1/1 đến 17/7/2018. Ngoài ra còn một số phiên bản Outlander và Outlander PHEV sản xuất trong năm 2017.

Hai đợt triệu hồi lớn nhất bao gồm các mẫu Outlander và Outlander PHEV, có chung nguyên nhân là hệ thống cân bằng điện tử (ASC) bị lỗi, dẫn đến hệ thống phân phối lực phanh (H/U) bị gián đoạn, khiến một loạt các tính năng an toàn chủ động bị hủy bỏ. Những hệ thống bị ảnh hưởng bao gồm: hệ thống điều khiển hành trình (hệ thống ga tự động - ACC), hệ thống phanh tự động khẩn cấp (FCM), hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HAS), hệ thống kiểm soát lực kéo (S-AWC), hệ thống đèn pha tự động (AHB).

 

Phương án mà Mitsubishi Việt Nam đưa ra là sẽ cập nhật lại phần mềm điều khiển hệ thống cân bằng điện tử cho các mẫu Outlander nằm trong diện triệu hồi. Hai đợt triệu hồi này sẽ diễn ra từ ngày 6/12 đến hết ngày 18/11/2020. Thời gian kiểm ra, khắc phục lỗi trên mỗi xe mất khoảng 20 phút.

Những mẫu Outlander và Outlander PHEV nằm trong diện triệu hồi này có số lượng và thời gian sản xuất cụ thể như sau:

 

Đợt triệu hồi lần 3 liên quan đến 3 xe Outlander PHEV bị lỗi hệ thống phanh tự động khẩn cấp (FCM - Forward Collision Mitigation).

Nguyên nhân là do phần mềm của hệ thống phanh tự động khẩn cấp (FCMECU)/ hệ thống cảnh báo lệch làn đường (LDW-ECU)/ hệ thống tự động điều chỉnh đèn pha tự động (AHB-ECU) không phù hợp.

Theo lý giải của nhà sản xuất, khi xe hoạt động các cảm biến của hệ thống phanh tự động khẩn cấp (FCM-ECU) sẽ nhận biết người đi bộ hoặc vật cản nằm trong vùng có thể gây nguy hiểm, khi đó hệ thống sẽ tự động cung cấp lực phanh để giảm tốc độ của xe.

Đối với các xe bị ảnh hưởng, mặc dù người đi bộ hoặc các vật thể đã ra ngoài vùng có thể gây nguy hiểm, hệ thống FCM-ECU vẫn tiếp tục duy trì và cung cấp lực phanh dài hơn mức cần thiết. Khi đó người lái xe có thể cảm thấy xe vận hành không ổn định, nên có thể đạp phanh để dừng xe.

Để khắc phục tình trạng trên, Mitsubishi sẽ tiến hành kiểm tra và cập nhật lại mềm điều khiển cho hệ thống phanh tự động khẩn cấp FCM-ECU đối với các xe Outlander PHEV bị ảnh hưởng. Thời gian sửa chữa dự kiến mất khoảng 15 phút.

 

Trước đó, nhà phân phối Audi tại Việt Nam cũng đưa ra thông báo triệu hồi 103 chiếc A6 chính hãng để thay thế cụm bơm túi khí hành khách phía trước; thiết bị này được cung cấp bởi Takata (Nhật Bản) - cái tên gây ra cơn bão triệu hồi hàng chục triệu xe trên toàn cầu.

Theo thông báo của Audi, trong quá trình nghiên cứu, hãng đã phát hiện cụm bơm khí trong xe Audi A6 có thể bị vỡ hoặc nứt khi túi khí phía trước ghế phụ được kích hoạt. Điều này có thể làm cho những mảnh kim loại nhỏ của vỏ cụm bơm khí bị văng ra, xuyên qua vỏ túi khí và có khả năng gây thương tích cho người ngồi ở hàng ghế phụ.

Audi tiến hành triệu hồi toàn bộ xe Audi A6 nằm trong thời gian sản xuất từ 1/1/2009 đến 1/12/2011, bao gồm cả xe nhập khẩu tư nhân và phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam với số VIN cụ thể như sau:

 

Chương trình triệu hồi diễn ra từ ngày 1/12/2019 đến 1/12/2020, Audi cũng đăng ký với Cục đăng kiểm Việt Nam để phối hợp giám sát. Hiện chưa có bất kỳ ghi nhận nào tại Việt Nam về việc xảy ra sự cố cho người sử dụng.

Vân Anh (t/h)