Con người đã để lại những gì trên Mặt trăng?

(SHTT) - Có lẽ đồ vật nhân tạo được thế giới biết đến nhiều nhất trên Mặt Trăng đó là quốc kỳ Mỹ - biểu tượng đánh dấu khả năng chinh phục của con người đối với vũ trụ. Nhưng ít ai biết rằng, gần 200.000 kg rác thải đã bị bỏ lại Mặt Trăng sau mỗi chuyến thám hiểm của con người.

Ngày 20/7/1969, các phi hành gia trên tàu vũ trụ Apollo 11 lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại. Từ đó đến tháng 12/1972, NASA trở lại Mặt Trăng thêm 5 lần nữa và tiến hành nhiều thử nghiệm khác nhau.

 

Sau 6 chuyến du hành, NASA đã để lại tổng cộng 809 vật thể trên bề mặt Mặt Trăng. Tính cả những vật thể do Nga để lại trong chương trình nghiên cứu Mặt Trăng Luna, có khoảng 187.400kg vật thể nhân tạo ở nơi này.

 

Những món đồ bỏ đi của con người đang tồn tại trên Mặt Trăng bao gồm cả những thiết bị khoa học quan trọng không thể mang về Trái Đất lẫn vật dụng không còn dùng đến.

Các phi hành gia NASA từng cắm 6 lá cờ Mỹ và lắp đặt 4 thiết bị phản xạ ánh sáng nhằm giúp các nhà khoa học tính toán khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Nhờ đó, các nhà khoa học phát hiện Mặt Trăng đang di chuyển ra xa khỏi Trái Đất khoảng 3,8 cm mỗi năm.

 

Các loại khác bao gồm: 2 quả bóng golf mà phi hành gia Alan Shepard chơi trên Mặt Trăng năm 1971, 12 đôi ủng, 96 túi chất thải của con người, một số máy quay phim, tạp chí điện ảnh, một vài máy ảnh Hasselblad mạ vàng, những cái búa để kiểm tra lực hấp dẫn, kẹp, bồ cào, xẻng và các công cụ khác được sử dụng để lấy mẫu vật.

Điều này xuất phát từ khá nhiều nguyên nhân. Thông thường, việc thu hồi các vật thể sót lại trên bề mặt tốn quá nhiều thời gian, trong khi mục đích chính của các phi hành gia là thu thập mẫu đất đá và quặng. Họ đã mang về Trái Đất gần 400 kg mẫu vật.

Lâm An (t/h)