Nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam

(SHTT) - Sáng 4/11, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với lĩnh vực xây dựng, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính.

Tại phiên họp, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề gồm:

+ Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

+ Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

+ Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Đặc biệt, Đại biểu Lý Văn Huấn (tỉnh Thái Nguyên) đã có câu hỏi liên quan trực tiếp đến vấn đề chuyển đổi số tại Việt Nam. Ông cho biết: "Bộ trưởng đã nhiều lần phát biểu về vai trò và tầm quan trọng của nền tảng số xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Vậy Giải pháp gì để thúc đẩy xây dựng nền tảng số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam?".

Về tình trạng chảy máu chất xám, đại biểu Lý Văn Huấn cho biết những nhân tài lập trình, quản trị vì nhiều lý do, trong đó có lý do thu nhập, các doanh nghiệp nước ngoài trả gấp 5 lần, 7 lần, thậm chí 10 lần và trong khi tại các doanh nghiệp trong nước môi trường công tác, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu phát triển không đáp ứng. Vậy Bộ trưởng có những giải pháp gì để thu hút và giữ chân những nhân tài này? Và câu hỏi này đại biểu Lý Văn Huấn cũng dành cho Thủ tướng Chính phủ.

 

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã xác định nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu như chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài khi đó dữ liệu bị thu thập. Mà dữ liệu số thì được gọi là tài nguyên.

Vì vậy Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển các nền tảng. Theo đó, năm 2022 đã xây dựng xong và hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022 này đã có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam và chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam và con số này đang tăng lên, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về giải pháp đột phá, Bộ trưởng nêu rõ "có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại". Lý giải cho câu nói này, Bộ trưởng chia sẻ, người ở đây được hiểu là cả người và doanh nghiệp. Theo đó, khi Bộ công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia ở cả mức Trung ương và các địa phương và có trang web để công bố các bài toán cần lời giải bài toán chuyển đổi số Việt Nam.

Bên cạnh đó, vấn đề chảy máu chất xám nhân tài công nghệ thông tin cũng là vấn đề được Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm bởi nhân tài là yếu tố quyết định trong việc làm chủ khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ.

Về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ khoảng 1,2 triệu lao động, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550 ngàn người. Bộ trưởng cho rằng giải pháp ở đây là đại học số. Tuy nhiên nếu đào tạo theo cách truyền thống thì đã đạt đến mức giới hạn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp giấy phép về thí điểm đại học số. Nếu đại học số thí điểm sớm thì sẽ là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số.

Ngoài ra, một trong những giải pháp mang tính căn bản đột phá mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện là xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn đến các đối tượng khác nhau, tên nền tảng này là One Touch và đã đưa vào vận hành được 6 tháng, đã có 10 triệu người Việt Nam lên đó học tập. Trong nền tảng này cũng có một phần dành riêng cho cán bộ, công chức lên đấy tự học, tự đánh giá và sẽ tự cấp các chứng chỉ.

Minh Anh