Tin mới nhất vụ tranh chấp bản quyền vaccine Moderna

(SHTT) - Bản quyền vaccine Moderna hiện đang được tranh chấp gay gắt giữa công ty Moderna và Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) để tìm ta người xứng đáng được ghi công vì đã phát minh ra công thức chế tạo vaccine ngừa COVID-19 đang lưu hành trên thế giới này.

Công ty Moderna và Viện y tế quốc gia Mỹ (NIH) - cơ quan nghiên cứu y sinh của Chính phủ Mỹ đã cùng nhau hợp tác để phát triển vaccine Moderna. 

Đây là một quan hệ đối tác công - tư từng được đánh giá cao, khi loại vaccine này được chứng minh có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Lúc đầu, Chính phủ Mỹ gọi nó là "vắc xin NIH-Moderna COVID-19".

Tham gia nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 cùng Công ty Moderna có 3 nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu vắc xin NIH, đó là tiến sĩ John R. Mascola - giám đốc trung tâm, tiến sĩ Barney S. Graham (vừa nghỉ hưu) và tiến sĩ Kizmekia S. Corbett - dạy tại Đại học Harvard. 

 Tin mới nhất vụ tranh chấp bản quyền vaccine Moderna

Họ đã cùng làm việc với các nhà khoa học tại Công ty Moderna để thiết kế chuỗi gene thúc đẩy vắc xin tạo ra phản ứng miễn dịch.

Vì vậy khi làm đơn xin cấp bằng sáng chế, NIH đề nghị ghi tên 3 nhà khoa học của họ vào bằng sáng chế nhưng phía Moderna không đồng ý.

Nói về vấn đề này, Moderna đệ trình đơn lên Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ và cho biết những nhà khoa học của NIH không đồng sáng chế trong thiết kế chuỗi gene thúc đẩy vắc xin tạo ra phản ứng miễn dịch.

Đến hiện tại, đơn xin cấp bằng sáng chế của Moderna vẫn chưa được cấp. Trên đơn chỉ ghi tên các nhà phát minh của hãng dược này.

Theo một quan chức Chính phủ Mỹ, NIH đã đàm phán với Moderna trong hơn một năm để cố gắng giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận vào thời điểm bằng sáng chế được cấp thì Chính phủ Mỹ có thể sẽ phải quyết định đưa vụ việc ra tòa. 

Được biết, đến hiện tại, WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 7 loại vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và tuần trước là Bharat Biotech (Ấn Độ).

Chuyên gia Swaminathan nhấn mạnh, dù không có loại vaccine nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%, song 90% đã là “con số tuyệt vời và đem lại khả năng bảo vệ, so với con số 0”.

Theo đại diện WHO, đến thời điểm này, những loại vaccine đã được phê chuẩn vẫn chưa ghi nhận bất kỳ dấu hiệu đáng lo ngại nào tới mức tổ chức này phải thông báo cần xem xét lại chúng.

Minh Anh