Tập trung đào tạo sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch

(SHTT) - Hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình quản lý, thực thi và tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong ngành văn hóa và du lịch còn nhiều yếu kém, bất cập. Vì vậy việc đào tạo sở hữu trí tuệ chuyên sâu là rất quan trọng.

Trong quá trình phát triển kinh tế đất nước và hội nhập khu vực, quốc tế ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng như lâu nay, SHTTđã trở thành một vấn đề quan trọng, đặt ra nhiều yêu cầu cần phải được nhìn nhận và bảo hộ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa nhận thức chính xác và đầy đủ về SHTT cũng như các vấn đề liên quan.

Tình trạng vi phạm các quyền SHTT vẫn rất tràn lan, phổ biến, phức tạp và khó kiểm soát, chủ yếu tập trung nhiều vào các nội dung quyền tác giả trong sách báo, phim ảnh, bản quyền phần mềm máy tính,…

 Một buổi chia sẻ kinh nghiệm về những khó khăn trong vấn đề SHTT trong bảo tàng tại Bảo tàng Áo dài (TP.HCM)

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là ý thức tôn trọng quyền SHTT của người dân còn kém, một số trường hợp do chưa có cơ hội tiếp cận các quy định pháp luật liên quan nên không nhận thức được về hành vi trái pháp luật của mình. Vì vậy việc đào tạo về sở hữu trí tuệ cần được nâng cao.

Và một trong những lĩnh vực cần quan tâm đến sở hữu trí tuệ là văn hóa, du lịch. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết: "Có lẽ chúng ta đã để một thời gian khá dài trong ngành văn hóa và du lịch ít quan tâm đến vấn đề SHTT và luôn coi đây là lĩnh vực đặc thù rất khó để chạm tới. Ngành du lịch chúng ta hiện dựa nhiều trên tài sản trí tuệ dân gian, nhưng đâu đó có một quan điểm còn coi thường tài sản trí tuệ. Thế nhưng, thực tế trong bối cảnh đương đại hiện nay, hằng ngày hằng giờ chúng ta luôn đối mặt với những vấn đề nhức nhối từ góc độ văn hóa cũng như là du lịch”.

Theo chuyên gia này, trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm… nhiều người cứ hồn nhiên thoải mái lấy những hoa văn, lấy công thức nhuộm vải, tạo nếp vải, lấy các bài thuốc trị liệu, các tri thức về làm đẹp của các cộng đồng tộc người để tạo thành các sản phẩm gắn với thương hiệu của doanh nghiệp mình, rồi bán thu được rất nhiều lợi nhuận. Trong khi cộng đồng sáng tạo ra tri thức đó thì họ chẳng được hưởng lợi gì cả, thậm chí họ còn chẳng được nhắc tới và càng không có cách nào sở hữu về tri thức đấy của mình. “Cho nên tôi thấy việc thực hiện dự án này, có thể chúng ta chưa nhìn ra ngay kết quả, nhưng ít nhất tạo ra một cảnh báo, nâng cao ý thức, dần khắc phục những vấn đề bức xúc trong ngành văn hóa và du lịch liên quan đến SHTT”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa chia sẻ.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cũng cho biết: “Vấn đề SHTT trong hoạt động đào tạo cần được quan tâm hơn, cụ thể trong các tác phẩm tốt nghiệp của HSSV ngành mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu điện ảnh…, từ đó có định hướng, kiến nghị, đề xuất cho phù hợp, đảm bảo theo yêu cầu của Luật SHTT”.

Minh Hà