Định giá bản quyền lúa ST25 và câu chuyện chưa từng có tiền lệ

(SHTT) - Việc nhóm tác giả muốn bán lại bản quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước là việc làm chưa có tiền lệ. Vì vậy việc nhà nước bỏ tiền ra mua lại quyền sở hữu một loại giống cũng cần phải có tiêu chí rõ ràng.

 Liên quan đến việc "cha đẻ" gạo Việt Nam ngon nhất thế giới năm 2019 - ông Hồ Quang Cua muốn nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu phương án và trình Chính phủ xem xét vấn đề này nếu đây là mong muốn của tác giả Hồ Quang Cua. Nguồn tiền có thể lấy từ chương trình giống giai đoạn 2021 - 2025, Cục Trồng trọt sẽ là đơn vị sở hữu và quản lý giống lúa này.

"Nguyện vọng của ông Hồ Quang Cua là muốn nhượng lại quyền sở hữu giống lúa ST24, ST25 cho Nhà nước để nhiều đơn vị, tổ chức có thể sử dụng bản quyền này nhằm thúc đẩy ST24, ST25 phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu", ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.

 Định giá bản quyền lúa ST25 và câu chuyện chưa từng có tiền lệ

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, vì đây là việc chưa có tiền lệ, nên việc nhà nước bỏ tiền ra mua lại quyền sở hữu một loại giống cũng cần phải có tiêu chí rõ ràng. Bởi ở Việt Nam có tới 800.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi doanh nghiệp lại có tới hàng chục sản phẩm, chưa tính đến việc quản lý, sử dụng các quyền bảo hộ đó ra sao.

Về việc định giá chuyển nhượng, Bộ Nông nghiệp cũng khẳng định sẽ bám vào Luật Khoa học công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp giao Cục Trồng trọt phối hợp cùng với nhóm tác giả Hồ Quang Cua bàn bạc cụ thể việc chuyển nhượng này, sau đó Bộ sẽ tiến hành làm tờ trình lên Chính phủ.

Chia sẻ về vấn đề này trên báo Giao thông, Luật sư Trần Hải Đức, trưởng VPLS Trần Hải Đức cho biết không có một mốc tiền nào được đưa ra cho việc sở hữu tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, đơn vị mua và bán có thế ước lượng được tài sản quá khứ và tương lại của thương hiệu đó để đưa ra con số "xứng đáng".

Chẳng hạn, chặng thời gian từ quá trình nghiên cứu cho đến khi có kết quả, chi phí hết bao nhiều thì hoàn toàn có thể tính được.

Bên cạnh đó, thời gian bảo hộ kéo dài 20 năm. Tức là, tính được giá trị thương mại mỗi năm, sau đó tính được giá trị của những năm tương lại và tổng giá trị có được cho đến khi hết giá trị bảo hộ.

"Nhưng theo tôi, ST25 đã được giải “gạo ngon nhất thế giới”, đó là giá trị vật chất và tinh thần rất lớn không riêng gì bản thân ông Cua mà còn cả dân tộc. Do đó, để đưa ra con số rất khó.

Chúng ta cùng dễ thấy, khi ST25 thuộc sở hữu của Quốc gia sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho nhà nước. Khi đó, với nguồn lực lớn, chúng ta sẽ tạo thành một thương hiệu Quốc gia chưa từng có về giống lúa. Từ đó, xuất khẩu gạo mang thương hiệu quốc gia. Vừa nâng tầm vị thế nông nghiệp đất nước, vừa tăng trưởng trong xuất khẩu đối với sản phẩm này", luật sư Đức cho biết thêm.

Hà Vân