Găng tay chuyển ngữ, sáng chế nhân văn dành cho người câm điếc

(SHTT) - Sáng chế Găng tay chuyển ngữ của 2 nam sinh Sài Gòn đã giành giải Nhất toàn quốc trong Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia (ViSEF) dành cho học sinh trung học 2017 khu vực phía Nam. Đồng thời đây cũng được đánh giá là sản phẩm khoa học giàu tính nhân văn dành cho người câm điếc.

Được biết, 2 nam sinh sáng chế ra Găng tay chuyển ngữ chính là Phạm Thiên Tân và Chử Hoàng Minh Đức, sinh năm 2000, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM.

Theo như lời Tân chia sẻ thì ý tưởng cho sáng chế này được phát triển từ việc em thấy thiệt thòi cho những người khiếm thính vì họ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng. Vì vậy Tân đã cùng bạn học của mình sáng chế ra một thiết bị giúp chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành tiếng Việt, giúp mọi người hiểu được ngôn ngữ của người câm điếc và xóa bỏ rào cản vô hình.

 Găng tay chuyển ngữ, sáng chế nhân văn dành cho người câm điếc

Thiết bị này bao gồm một chiếc găng tay có gắn cảm biến Flex Sensor, MPU6050 và một chiếc smartphone. Vì vậy khi bàn tay chuyển động thì cảm biến sẽ đọc được và gửi dữ liệu về smartphone qua một ứng dụng được lập trình trên nền tảng Android. Từ đó, những kí tự, văn bản và âm thanh tương ứng sẽ được xuất hiện trên màn hình điện thoại, giúp người đối thoại có thể hiểu được. Đến thời điểm hiện tại, 31 ký tự tay đã được 2 nam sinh trên chuyển thành hình ảnh và lời nÓI. Bên cạnh việc chuyển các chữ cái thành ký tự trên màn hình thì thiết bị này còn giúp người câm điếc nói ra các cụm từ như "tôi yêu bạn", "tôi", "bạn", "Việt Nam", "Bác Hồ", "xin chào", "cha mẹ", " yêu".

Đặc biệt, Tân còn chia sẻ rằng giọng đọc ngọt ngào và trẻ trung phát ra từ điện thoại là giọng của một bạn nữ hội viên câu lạc bộ khoa học sáng tạo của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

 Sáng chế Găng tay chuyển ngữ nhận được nhiều lời khen

Chính nhờ sản phẩm giàu tính nhân văn này mà Tân và Đức đã nhận được giải Nhất toàn quốc trong Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia (ViSEF) dành cho học sinh trung học 2017 khu vực phía Nam. 

Sau khi giành giải thưởng, các "nhà khoa học" trẻ này còn dự định sẽ viết thêm thuật toán để sắp xếp các từ trong câu theo đúng ngữ pháp của ngôn ngữ ý hiệu, kết nối cả hai găng tay và phát thành một câu hoàn chỉnh trên smartphone trong thời gian tới.

Được biết, Tân và Đức đã bắt tay vào sáng chế thiết bị trên từ tháng 8/2016 nhưng chỉ trước kỳ thi một hôm vào tháng 3/2017 thì 2 nam sinh mới hoàn thiện xong sản phẩm.

 

Sáng chế này đã được đánh giá cao vì dành riêng cho người khuyết tật Việt với bộ nhận diện ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ. Thậm chí Găng tay chuyển ngữ của 2 nam sinh này còn được đánh giá là có nhiều ưu điểm riêng và hoàn thiện hơn so với dự án của một bạn trẻ người Mỹ.

PV