Chip bảo mật Secure Enclave bị tố vi phạm bằng sáng chế

(SHTT) - Mới đây, công ty bảo mật danh tính “Identity Security” đã đệ đơn kiện gã khổng lồ công nghệ Apple. Identity Security tuyên bố công nghệ Secure Enclave xuất hiện trong hầu hết các dòng sản phẩm chính của Apple vi phạm bốn bằng sáng chế của họ.

Công ty Identity Security đã đệ đơn lên Tòa án Tây Texas, Mỹ kiện Apple vi phạm bằng sáng chế khi sử dụng công nghệ Secure Enclave. Đây là công nghệ cô lập dữ liệu quan trọng của người dùng trong một hệ thống chuyên dụng để bảo vệ những dữ liệu này.  

Secure Enclave được tích hợp vào hệ thống chip điện tử của Apple. Cùng với Secure Enclave, một số công nghệ liên quan hiện đang được triển khai trong iPhone, iPad, Apple Watch, Mac, Apple TV và HomePod.

Secure Enclave lưu trữ dữ liệu vân tay và nhận diện khuôn mặt trên iphone 

Công ty Identity Security tuyên bố rằng việc triển khai Secure Enclave trong các giải pháp phần cứng của Apple đã vi phạm bốn bằng sáng chế của họ. Cụ thể Apple bị cáo buộc vi phạm các bằng sáng chế số 7493497, 8020008, 8489895 và 9507948. Mỗi giải pháp của Apple nêu chi tiết phương thức tăng cường bảo mật người dùng bằng cách tạo danh tính kỹ thuật số trên một thiết bị vi xử lý.

Identity Security liệt kê các tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của mình như: lưu trữ an toàn tên người dùng, ảnh kỹ thuật số, địa chỉ, ngày sinh, số bằng lái xe, thông tin sinh trắc học, thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng, tên công ty... và bao gồm cả danh tính kĩ thuật số mà Apple đang sử dụng.

Năm 2013, công nghệ Secure Enclave ra mắt trên iPhone 5S để lưu trữ dữ liệu vân tay của người dùng một cách an toàn. Cùng năm 2013, Apple ra mắt thiết bị xác thực sinh trắc học đầu tiên Touch ID.

Secure Enclave giữ vai trò bảo mật được tích hợp trong bộ vi xử lý SoC. Secure Enclave chịu trách nhiệm cho “tất cả các hoạt động bảo mật để quản lý khóa bảo vệ dữ liệu và duy trì tính toàn vẹn dữ liệu, ngay cả khi phần cốt lõi bị hỏng”.

Secure Enclave ban đầu được triển khai trên bộ vi xử lý A11 và S4. Hiện nay, công nghệ bao gồm “công cụ được bộ nhớ bảo vệ và mã hóa với chức năng bảo mật một chiều ‘Anti-replay’, khởi động an toàn, bộ tạo số ngẫu nhiên chuyên dụng và công cụ mã hóa dữ liệu AES riêng”.

Apple vẫn tiếp tục ứng dụng công nghệ này trên các sản phẩm của mình. Apple cho rằng bốn bằng sáng chế thuộc sở hữu của Identity Security không có ứng dụng trong thực tế và công nghệ này chưa được cấp phép.

Hải Yến