Vai trò của khoa học công nghệ trong việc kiểm soát dịch Covid-19 tại Việt Nam

(SHTT) - Trong công tác kiểm soát, phòng chống và điều trị COVID-19 tại Việt Nam, bên cạnh các biện pháp chuyên môn của ngành y tế thì cần đẩy mạnh chiến lược ứng dụng công nghệ.

 Bluezone giúp truy vết Covid-19 thần tốc

Khi Covid bùng phát tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhất là tại các địa phương đang có dịch, trong đó nhấn mạnh việc vận động người dân cài đặt phần mềm Bluezone, thực hiện Thông điệp 5K của ngành y tế, bảo đảm an toàn.

Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), tính đến giữa tháng 2/2021, đã có hơn 29 triệu lượt cài đặt ứng dụng truy vết người nghi nhiễm Covid-19 (Bluezone). Lượng cài đặt ứng dụng Bluezone đã tăng 5,5 triệu lượt so với hồi cuối tháng 1, thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát trở lại trong cộng đồng.

 

Ứng dụng Bluezone đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi giúp truy vết hàng nghìn trường hợp người nghi nhiễm Covid. Theo ước tính của các chuyên gia, Bluezone phát huy tối đa hiệu quả nếu 60% dân số trưởng thành tham gia sử dụng. Vì vậy, việc bắt buộc người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone vừa bảo vệ mình và cộng đồng là vô cùng cần thiết vào thời điểm này để truy vết, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan.

Nhiều robot được chế tạo để phục vụ phòng chống đại dịch COVID-19

Sáng 21/2, TS. Đỗ Văn Đỉnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ, phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết “Robot vận chuyển nhu yếu phẩm phòng chống dịch COVID-19” đã được hoàn thiện.

Sản phẩm này hoạt động hiệu quả, di chuyển linh hoạt, chỉ cần nâng cấp một vài chi tiết là hoàn thiện. Robot sử dụng nguồn điện 1 chiều (12V, có thể chạy 4 ngày liên tục mới phải nạp thêm), di chuyển trên hệ thống bánh xích, cao 1,5m, với 3 tầng giá đựng có thể chứa cơm, quần áo, nước sát khuẩn và các vật dụng khác phục vụ trong các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế tập trung. Mỗi lần vận chuyển robot này có thể mang theo hơn 100kg nhu yếu phẩm.

 

Với bộ điều khiển bằng tay, người sử dụng có thể điều khiển robot di chuyển tiến, lùi, rẽ phải, rẽ trái tùy ý trong bán kính 200m. Robot này có thể di chuyển trên bề mặt có độ dốc, nghiêng.

Việc sử dụng robot sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc gần giữa người với người trong khu cách ly tập trung hoặc trong các bệnh viện dã chiến. Điều này sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trước đó tại Việt Nam cũng đã có nhiều robot giúp vận chuyển thực phẩm trong khu cách ly, phát huy hiệu quả tác dụng.

Nhiều công nghệ khác được phát triển

Về vấn đề điều trị bệnh nhân COVID-19, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chia sẻ kinh nghiệm điều trị COVID-19 và các bệnh hô hấp khác nhờ sử dụng thiết bị thở oxy lưu lượng cao HFNC. Một trong những thay đổi mang tính "bước ngoặt" trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam đến từ quyết định chỉ can thiệp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập thay thế đặt nội khí quản cho một số trường hợp bệnh nhân nặng, vừa giúp tiết kiệm nguồn lực vừa mang lại lợi ích cho bệnh nhân.

Công ty Sao Thái Dương cũng phát triển bộ Kit chẩn đoán bệnh nhân mắc COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm giúp phòng ngừa COVID-19 hiệu quả như Nano bạc sát khuẩn, gel sát khuẩn cũng đã được giới thiệu.

Minh Hà