Thầy Mai Văn Túc: Chân dung người thầy hết lòng vì đam mê sáng chế

(SHTT) - Thầy Mai Văn Túc - giáo viên Vật Lý trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) đã bán đi 2 chiếc ô tô cùng 1.000 hiện vật đồ cổ để xây dựng phòng thí nghiệm cho học sinh.

 Thầy giáo Mai Văn Túc - giáo viên bộ môn vật lý, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) là người thầy đã âm thầm bỏ tiền túi, đầu tư phòng thí nghiệm với những thiết bị dạy và học cho học sinh.

Xuất thân là con của gia đình nghèo quanh năm lụt lội, từ nhỏ thầy Mai Văn Túc đã ý thức để thay đổi cuộc sống phải quyết tâm học tập. Tốt nghiệp khoa vật lý Trường Đại học Tổng hợp chuyên ngành vô tuyến điện, thầy không đi làm ở cơ quan nào mà tự làm ở ngoài. Không học để trở thành thầy giáo, nhưng thầy Túc đã làm thầy giáo chỉ vì muốn dạy con và những đứa trẻ cho đúng cách. Và từ một thầy giáo trường làng ở vùng quê nghèo, ông bước chân vào trường chuyên tại Hà Nội và là “thần tượng” của nhiều thế hệ học sinh chuyên lý.

 Thầy Mai Văn Túc: Chân dung người thầy hết lòng vì đam mê sáng chế

“Hồi đó việc làm không hết, nhiều người mang đồ từ tỉnh khác lên nhờ tôi sửa chữa. Tôi cũng có ý thức sưu tầm đồ cũ từ đó. Tôi bắt đầu tìm kiếm đồ vật mang trong mình ‘dáng hình vật lý’ như: đài cassette, máy nghe nhạc đĩa than, đồng hồ cổ, điện thoại cổ,… Món đồ nào khi tìm được cũng gặp vấn đề, nhờ khả năng sửa chữa, cải tiến thiết bị điện tử, tôi tích cóp tiền mua những món đồ ưng ý” - thầy Túc chia sẻ.

Thầy Mai Văn Túc đã bỏ ra 30 năm công sức để sưu tập đồ cổ và sống với đam mê. Thật không quá khi nói rằng, những món đồ này chính là một phần quan trọng trong cuộc sống của thầy Túc, chiếm một vị trí nhất định trong trái tim thầy. Bởi đơn giản vì đó không những là đam mê mà còn chính là một phần tuổi trẻ của thầy. Thế nên rất nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi nghe tin thầy quyết định sẽ bán đi những cổ vật này để xây dựng một phòng thí nghiệm Vật Lý cho học sinh.

Năm 2015, quyết định của thầy bắt đầu dần được hiện thực hóa, các bạn học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 được phép đến Trung tâm thí nghiệm Vật lý Edison của thầy để thực hành những bài học trên lớp.

So với thời gian trước đây, thầy Mai Văn Túc đã sáng chế nhiều thiết bị và được sản xuất phục vụ tốt cho giáo dục, trên thị trường có thể chưa có. Hiện tại đã có hơn 100 thiết bị.

Với những thiết bị được thầy Túc sáng chế, môn vật lý trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn nhiều. Tại phòng thí nghiệm Edison, các bạn học sinh không còn sợ hay học môn lý một cách miễn cưỡng nữa, mà học với một tinh thần hứng khởi, thậm chí trở nên đam mê với môn học vốn bị coi là khô khan này.

Theo thầy Mai Văn Túc, nếu giáo viên có thí nghiệm biểu diễn thì học sinh hiểu bài rất nhanh và quan trọng nhất là niềm tin của học sinh với quy luật đã học nhưng để học sinh hứng thú học thì đôi khi là cả nghệ thuật, nếu cứ yêu cầu phát đề xong đo đạc trong giờ thực hành rồi chấm cho điểm thì chắc chắn là lại đi đến ngõ cụt tức là lại vì điểm số. 

Với mong muốn và những nỗ lực của thầy Mai Văn Túc, hi vọng rằng trong tương lai không xa học sinh cả nước sẽ được học và hiểu môn vật lý bằng những thí nghiệm thí nghiệm trực quan, sinh động, để nhớ nhanh, nhớ lâu, hiểu sâu và tường tận các kiến thức bài học, gắn được những kiến thức đó với đời sống và vận dụng kiến thức đó để phát triển những tiện ích ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày, thậm chí có thể phát triển trở thành những nhân tài cho đất nước.

Minh Hà