Nhà sáng chế Phạm Văn Hát: Cần tạo điều kiện để đăng ký bằng sáng chế cho nông dân

(SHTT) - Nhiều sáng chế của nông dân đã mang lại hiệu quả cao, giúp ích để bà con phát triển kinh tế. Tuy nhiên vấn đề đăng ký bản quyền vẫn luôn là điều khiến các nhà sáng chế "không chuyên" này trăn trở.

Vào ngày 13/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) đã tổ chức diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V với chủ đề “Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà” nhằm phát triển một nền nông nghiệp đạt được cả “3 cao”: Năng suất cao, chất lượng cao, giá trị cao.

Tại diễn đàn, các diễn giả, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và các đại biểu nông dân tiêu biểu, HTX, doanh nghiệp đã tập trung thảo luân, đối thoại, trao đổi thẳng thẳn nhằm giúp nông dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông sản cũng như làm thế nào để tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, làm thế nào để sử dụng đồng vốn một cách thông minh, hiệu quả nhất.

Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V 

Về vấn đề ứng dụng công nghệ, sáng chế trong nông nghiệp, nhà sáng chế nông dân Phạm Văn Hát (sinh năm 1972, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã nêu một số ý kiến về hỗ trợ chính sách cho vấn đề sáng chế trong công nghệ.

Theo anh chia sẻ, các sản phẩm do anh sáng chế thật sự rất cần thiết với người nông dân, tuy nhiên vấn đề đăng ký bản quyền đang gặp nhiều khó khăn.

Anh Hát bộc bạch thêm: "Hiện nay do thiếu thực tế nên nhiều người chế tạo ra các loại máy móc không phù hợp với điều kiện của người nông dân. Những nhà sáng chế không được đào tạo bài bản như chúng tôi với xuất phát điểm là nông dân, hiểu bà con cần gì, gặp phải khó khăn gì… nên máy móc chúng tôi chế tạo ra luôn được người nông dân đón nhận vì nó đáp ứng đúng nhu cầu thực tế”.

Anh Hát cho biết, yếu tố quan trọng nhất trong các sản phẩm anh đều được dựa trên các yêu tố tiên quyết như hữu dụng - có thể áp dụng trực tiếp trên thực địa; hiệu quả cao với giá thành phải chăng, phù hợp với túi tiền của người làm nông Việt Nam.

 Nhà sáng chế Phạm Văn Hát: Cần tạo điều kiện để đăng ký bằng sáng chế cho nông dân

Từ các yếu tố đó, các sáng chế của công ty anh đã gây dựng được uy tín không chỉ ở trong phạm vi đất nước ta mà còn vượt qua biên giới tới với những trang trại và mảnh đồng của rất nhiều nước khác.

Anh Hát khẳng định, điều cốt yếu ở các sáng chế mới không phải là nhận được một tấm bằng công nhận mà cái chính phải là tính ứng dụng và sự thiết thực của sản phẩm đối với hoạt động sản xuất thường ngày của nhà nông.

"Chúng tôi cần nguyên tắc mở, cần có quy trình, chính sách tạo điều kiện thuận lợi từ các bộ, ngành để làm sao chúng tôi đăng ký bản quyền, tạo ra các sản phẩm hữu ích nhanh nhất cho bà con nông dân", anh Hát nói.

Tại Diễn đàn, anh Hát chia sẻ, đã có doanh nghiệp nước ngoài mời anh về làm việc và trả mức lương lên tới 7.000 USD/tháng nhưng anh từ chối. "Nếu thực sự vì đồng tiền thì đã không có thương hiệu nông dân hai lứa Phạm Văn Hát hiện nay. Tôi luôn tâm niệm, đất nước đang tiến hành hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và mong muốn cống hiến hết trí tuệ và sức lực cho người nông dân Việt Nam. Chính vì thế, chúng tôi muốn làm sao các bộ ban ngành sát cánh cùng người nông dân để cho ra những sản phẩm hữu ích", anh Hát chia sẻ thêm.

Được biết, anh Phạm Văn Hát là một nhà sáng chế "nông dân" với những sáng chế không chỉ ứng dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu tới 15 quốc gia. Từ thực tiễn lao động, anh đã phát minh rất nhiều nông cụ, máy móc mang lại lợi ích thiết thực trong hoạt động nông nghiệp và cuộc sống. 

Trong đó, robot gieo hạt mang được xem là sáng chế ấn tượng bậc nhất của “kỹ sư chân đất” Phạm Văn Hát từ năm 2014. Sản phẩm này hiện chiếm lĩnh thị trường ở nhiều quốc gia khác, trong đó có nhiều nước có nền khoa học kỹ thuật hiện đại như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…

Vân Anh