Sáng chế thành công thiết bị bắt chước thực vật tạo ra nhiên liệu sạch

(SHTT) - Các chuyên gia tại Đại học Cambridge mới đây đã sáng chế ra 1 thiết bị quang hợp nhân tạo không sử dụng điện. Thiết bị này có thể bắt chước khả năng chuyển hóa năng lượng của thực vật để tạo ra nhiên liệu sạch.

Các chuyên gia của Đại học Cambridge (Anh) cho biết thiết bị sử dụng một hình thức quang hợp giống như khi thực vật chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành năng lượng.

Thiết bị mới này tạo ra nhiên liệu sạch bằng cách bắt chước khả năng chuyển đổi ánh sáng mặt trời, carbon dioxide và nước của thực vật thành năng lượng mà không cần bất cứ nguồn điện nào.

 

Ý tưởng của sáng chế bắt đầu vào năm 2019 khi các chuyên gia của Đại học Cambridge phát triển một lò phản ứng năng lượng mặt trời dựa trên thiết kế "lá nhân tạo", sử dụng ánh sáng mặt trời, carbon dioxide và nước để tạo ra axit formic. Tuy nhiên, chiếc lá nhân tạo này vẫn phải sử dụng các thành phần từ pin mặt trời.

Sau đó, nhóm chuyên gia đã sử dụng chất bán dẫn để tạo nên một "tấm xúc tác quang" và áp dụng công nghệ hiện đại "photoheet". Tấm xúc tác này có thể tiếp nhận ánh sáng mặt trời, carbon dioxide và nước để tạo thành oxy và axit formic - một loại nhiên liệu lưu trữ mà không cần nguồn điện nào.

Do được tạo thành từ bột bán dẫn nên các tấm lá nhân tạo có thể được sản xuất ở quy mô lớn một cách dễ dàng mà vẫn tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, axit formic có thể được sử dụng trực tiếp trong các máy phát điện hoặc tích tụ trong dung dịch và được chuyển đổi về mặt hóa học thành các dạng nhiên liệu khác nhau, ví dụ như hydro.

Các chuyên gia kỳ vọng thiết bị mới trong tương lai có thể được phát triển thêm và sử dụng trong các trang trại năng lượng mặt trời (Solar farm) sản xuất nhiên liệu sạch. Tức là không sử dụng gì ngoài ánh sáng mặt trời và nước làm đầu vào.

Bình An