Mỹ sáng chế khẩu trang phát hiện nhanh người nhiễm COVID-19

(SHTT) - Ứng dụng công nghệ huỳnh quang, các nhà khoa học tại Đại học Havard và Viện công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đang tạo ra những chiếc khẩu trang có khả năng phát hiện người mắc Covid-19 khi sử dụng.

 \Ý tưởng về sử dụng chất cảm biến chứa vật liệu di truyền có liên kết với DNA và RNA của virus đã được giới khoa học phát triển từ năm 2014 với mục đích phát hiện virus Ebola. Năm 2016, sau khi công trình nghiên cứu được công bố, các nhà khoa học tiếp tục tinh chỉnh loại cảm biến trước đó để phát hiện thêm virus Zika.

 

Công nghệ nhận diện virus của nhóm nghiên cứu đã được chứng minh có hiệu quả hồi đầu năm 2018, khi thử nghiệm thành công với nhiều loại virus khác nữa như: SARS, sởi, cúm, viêm gan C, siêu vi West Nile (bệnh lây qua muỗi bị nhiễm bệnh) và các loại virus khác.

Theo Tiến sĩ Jim Collins thuộc Khoa Kỹ thuật sinh học của Viện MIT, ban đầu nhóm nghiên cứu chỉ định tạo ra những thanh giấy thử tương tự giấy quỳ, nhưng sau đó, họ đã có thể tạo ra những mẫu thử mới trên nhiều chất liệu khác nhau như nhựa, thạch anh và vải.

Nguyên tắc hoạt động của các mẫu vật thử virus tương tự như cách quỳ tím giúp chúng ta phát hiện axit và bazơ. Khi có độ ẩm từ hơi thở hoặc nước bọt của người dùng thấm vào cảm biến chứa vật liệu di truyền có liên kết với DNA và RNA của virus, nó sẽ sinh ra các phản ứng sinh học để phát sáng trong trường hợp người dùng có mang trong cơ thể nguồn bệnh, 

Trong thí nghiệm của nhóm khoa học này, thông thường, quá trình này sẽ cần 1-3 giờ đồng hồ để cảm biến có thể phát hiện ra virus SARS-CoV-2 và phát ra tín hiệu huỳnh quang cảnh báo.

Tiến sĩ Jim Collins cho biết, dự án mới chỉ ở giai đoạn đầu thử nghiệm về khả năng phát hiện virus SARS-CoV-2 của cảm biến với mẫu nước bọt, nhưng kết quả đạt được rất khả quan.

 

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm đặt cảm biến vào bên trong khẩu trang và dự định phát triển khẩu trang cảm biến thành thiết bị y tế phổ biến với mọi người.

Để kéo dài thời gian sử dụng của khẩu trang, các nhà khoa học sử dụng chất lyophilizer để làm đông khô vật liệu di truyền và hút hết hơi ẩm mà không làm hỏng cảm biến. Khi đó, nếu để ở nhiệt độ phòng, vật liệu có thể để được trong vài tháng. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng không mắc bệnh có thể tái sử dụng sản phẩm trong thời gian khá dài.

Nhóm khoa học đặt mục tiêu sẽ bắt đầu sản xuất khẩu trang cảm biến rộng rãi vào khoảng cuối mùa hè này và phân phối trong cộng đồng vào mùa đông - thời điểm mà các chuyên gia cho rằng dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại.

Hạ An