Sáng chế máy sát khuẩn có giọng nói của học sinh Ninh Thuận

(SHTT) - Để hưởng ứng lời kêu gọi sáng tạo mùa dịch, nhiều học sinh, sinh viên đã liên tục sáng chế ra những máy móc hữu ích giúp phòng chống dịch. Và mới đây, học sinh Ninh Thuận cũng đã sáng chế ra máy sát khuẩn có giọng nói.

Máy sát khẩn tự động kèm giọng nói là sáng chế của em Võ Thanh Minh Nhật, học sinh lớp 11C5 và Nguyễn Trần Nguyệt Hà, lớp 10C4, trường THPT Trường Chinh ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.

Cuối tháng 3 vừa qua, hai em đã trình bày ý tưởng của mình với thầy Nguyễn Trần Thái Vũ, giáo viên môn Vật lý, rồi bắt tay vào thực hiện. Linh kiện để lắp ráp chiếc máy này 2 em phải nhờ một học sinh cũ của trường đang học đại học tại TPHCM tìm mua và gửi về. Với sự hỗ trợ của thầy giáo, nửa tháng sau, chiếc máy đã hoàn thành.  

Máy gồm vỏ hộp nhựa, đèn led 2 màu báo hiệu lượng dung dịch và loa thông báo. Ngoài ra còn có bộ phận cảm biến để nhận diện người đến gần và phát ra giọng nói. Nếu có người đến rửa tay, bộ phận cảm biến tự động nhỏ dung dịch sát khuẩn xuống lòng bàn tay. Em Võ Thanh Minh Nhật cho biết, tổng chi phí chế tạo chiếc máy khoảng 1 triệu đồng. Chiếc máy đơn giản, nhỏ gọn nhưng công năng khá hiệu quả dễ dàng triển khai trong thực tế.

 Sáng chế máy sát khuẩn có giọng nói của học sinh Ninh Thuận 

"Máy này và ứng dụng vào trong thực tế cũng rất khả thi, đồng thời phát huy ý tưởng khoa học kỹ thuật trong Câu lạc bộ cũng như trong trường, khuyến khích tiếp sức khơi dậy cho các học sinh khóa sau niềm đam mê, phát triển sản phẩm ứng dụng khác trong trường học", Minh Nhật nói

Và trong những ngày qua, “Đề nghị học sinh hãy rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường học” là câu nói quen thuộc đối với các giáo viên và học sinh trường THPT Trường Chinh. Được nhắc nhở ngay từ cổng trường bằng một âm thanh dễ chịu như vậy nên mọi người đều rất vui vẻ đặt tay vào vị trí máy sát khuẩn tự động gần đó để rửa tay trước khi vào trường.

Mới đây, nhóm nghiên cứu Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng cũng đã chế tạo thành công robot điều khiển từ xa, diệt virus bằng tia UV.

Thầy Phan Nguyễn Duy Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu UV Robot cho biết Robot có thể phát ra tia cực tím UVC với bước sóng vào khoảng 250 nanomet, tia này đã được chứng minh hiệu quả trong việc khử trùng vì có thể phá hủy DNA của virus, vi khuẩn, nấm mốc và những mầm bệnh khác (bao gồm cả "siêu vi khuẩn" kháng thuốc) trong không khí hoặc trên các bề mặt mà con người có khả năng tiếp xúc.

"Với công suất thiết kế hệ thống đèn UV, Robot có thể diệt khuẩn 99% trong thời gian 30 giây với bán kính từ 1-2.5m, tùy thuộc vào chủng loại virus. Ví dụ đối với virus SARS-CoV-2, bán kính diệt khuẩn là 2.5m; virus HIV-1 bán kính diệt khuẩn 1m".

"Hiện nay, giá thành một robot tự động diệt khuẩn bằng tia UV khoảng hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí nguyên vật liệu sản xuất UV Robot của nhóm chỉ khoảng 50 triệu đồng. Giá thành có thể giảm nếu sản xuất hàng loạt trong thời gian đến" – Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

UV Robot được định hướng sử dụng diệt khuẩn tại bệnh viện, khu vực cách ly, phòng mổ, phòng học tại các trường đại học nhằm thay thế con người, tránh nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh, hỗ trợ tốt cho công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm; đặc biệt là Covid-19.

Vân Anh