Hoàn thành 38 đề tài nghiên cứu khoa học về dược liệu tại Lâm Đồng

Sáng 7-12, tại TP Đà Lạt, Hội Dược liệu tỉnh Lâm Đồng tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và hội thảo khoa học về cây thông đỏ, dược liệu. Mười năm qua, các hội viên đã triển khai thực hiện và được nghiệm thu 38 đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần phục vụ đời sống, phát triển KT-XH địa phương.

Trong đó, có ba đề tài cấp nhà nước, sáu đề tài cấp bộ, 12 đề tài cấp viện và 17 đề tài cấp tỉnh, cơ sở. Một số đề tài nổi bật như: “Nghiên cứu quy trình công nghệ tách chiết hoạt chất sinh học từ lá cây thông đỏ và cây dừa cạn Việt Nam tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc chống ung thư và xuất khẩu”, “Bảo tồn nguồn gen và gống cây thuốc”, thuộc đề tài cấp nhà nước, do Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt thực hiện; đề tài cấp viện “Nghiên cứu cây thông đỏ Taxus wallichiana Zucc ở Lâm Đồng làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa ung thư”, do Viện Khoa học Tây Nguyên thực hiện; đề tài sưu tầm 62 loài thực vật được người Churu sử dụng làm thuốc, do Đại học Đà Lạt thực hiện.

Và đề tài về xây dựng Danh lục tài nguyên dược liệu Lâm Đồng, do Hội Dược liệu Lâm Đồng thực hiện, được các nhà khoa học đánh giá cao. Đề tài được tiến hành công phu, qua kết quả sưu tầm, điều tra dược liệu từ năm 1977 đến nay, gồm 1.664 loài thực vật làm thuốc, 165 loài động vật làm thuốc và khoáng vật làm thuốc 21 loài.

Chủ tịch Hội dược liệu Lâm Đồng, Dược sĩ chuyên khoa 2, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thọ Biên cho biết, Danh lục tài nguyên dược liệu Lâm Đồng nhằm giúp các cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, những người quan tâm đến dược liệu biết để tham khảo, sử dụng, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cùng với công tác triển khai nghiên cứu khoa học, các hội viên đã sản xuất 300 mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng để cung cấp thị trường trong nước, xuất khẩu.