Cậu sinh viên Nhật Bản với sáng chế 'Bản đồ các ca nhiễm Covid-19' nhận được nhiều khen ngợi

(SHTT) - Mặc dù không được đào tạo bài bản về lập trình nhưng anh sinh viên Lee Dong Yon (25 tuổi) đang học tập tại Nhật bản đã tự mày mò và tạo ra bản đồ giúp theo dõi tình hình bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản theo thời gian thực và nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân nước này.

Cụ thể, anh chàng sinh viên Lee Dong Yon (25 tuổi) đang theo học chuyên ngành tâm lý học tại Đại học Kyushu, Nhật Bản mới đây đã phát triển thành công một hệ thống theo dõi thời gian thực có tên "Bản đồ các ca nhiễm Covid-19" giúp theo dõi tình hình các bệnh nhân được chẩn đoán dương tính với bệnh dịch này tại 'Đất nước mặt trời mọc'.

Ý tưởng để Lee Dong Yon tạo nên bản đồ đặc biệt này là từ bản đồ phòng chống thiên tai mà mình nhìn thấy tại sự kiện năm ngoái của Line Fukuoka Corp.

 "Bản đồ các ca nhiễm Covid-19" được xây dựng dựa trên dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản, từ đó tác giả vẽ đường đi của những người nhiễm bệnh Covid-19 tại đây.

Cụ thể, trên "Bản đồ các ca nhiễm Covid-19", các vị trí có bệnh nhân nhiễm virus corona được đánh dấu bằng vòng tròn màu đỏ, đường di chuyển của họ được biểu thị bằng màu xanh lam và vị trí của những người đã chữa khỏi tượng trưng bằng màu xanh lá cây.

Hình ảnh ghi lại từ bản đồ của cậu sinh viên 25 tuổi. Ảnh: Kyodo News. 

Các vòng tròn được đánh số theo thứ tự phát hiện ca lây nhiễm mà Bộ Y tế Nhật Bản đã công bố. Dẫn kèm các thông tin về ca lây nhiễm là những trang báo, thông tin chính thức từ chính phủ liên quan đến ca đó. Cùng với đó là lịch sử du lịch của bệnh nhân và tình hình sức khỏe hiện tại của họ.

Nhật Bản có biểu đồ, đồ họa cho thấy các trường hợp nhiễm bệnh của địa phương, tuy nhiên bản đồ theo dõi tương tự Lee sáng tạo là rất hiếm.

"Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ giảm đi nếu chúng tôi lập được bản đồ nơi những người nhiễm bệnh đã đi qua trước đó”, sinh viên Lee nói. Theo chàng trai này, người dùng có thể tùy chỉnh chế độ để nhìn thấy virus đã lây lan qua các nhóm hoặc cụm nhỏ như thế nào.

Bản đồ lần đầu tiên ra mắt vào ngày 5/2 và thu hút hàng chục nghìn lượt xem mỗi ngày.