Sáng chế sinh viên giúp mở rộng thị trường lụa tơ sen Việt Nam

(SHTT) - Với mong muốn mở rộng thị trường cho các sản phẩm lụa từ tơ sen Việt Nam, nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã sáng chế ra hệ thống lấy tơ sen công nghiệp và giành được giải nhất cuộc thi 'Sáng tạo trẻ Bách khoa' năm 2019.

"Máy lấy tơ sen" thay cho sức lao động thủ công là sản phẩm sáng tạo đến từ nhóm sinh viên BKCIM bao gồm các thành viên Ngô Trần Minh Đức, Nguyễn Văn Thắng, Trần Quốc Đạt, Cao Anh Tú (cùng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) và Lương Đức Trung (Trường ĐH Ngoại thương).

 Đội BKCIM với đề án “Máy lấy tơ sen” giành giải Nhất “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019”

Chia sẻ về cảm hứng đến với máy lấy tơ sen, sinh viên Ngô Trần Minh Đức thuộc nhóm sáng chế cho hay nhóm nhận thấy hiện nay trên cả nước có khoảng 3.000 ha trồng sen nhưng thân sen đang bị bỏ đi một cách lãng phí, thậm chí vào thời điểm cuối mùa khi sen tàn còn có thể gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó sản phẩm lụa làm từ tơ sen hiện nay đang trở thành chất liệu cao cấp và được người tiêu dùng yêu thích vì chất lượng và độ an toàn khi sử dụng. Nhưng để làm ra một thành phẩm sẽ cần từ 1 - 2 tháng lao động thủ công.

Hệ thống Máy lấy tơ sen của BKCIM 

Do làm phải làm thủ công và thời gian gia công kéo dài nên các sản phẩm làm từ chất liệu này thường có giá bán khá cao khoảng 4 - 5 triệu đồng, thường chỉ có thể đáp ứng bởi các khách hàng thượng lưu hoặc du khách nước ngoài.

Trước thực tế đó, nhóm sinh viên của trường Đại học Bách khoa đã quyết định nghiên cứu ra hệ thống lấy tơ sen để mang các sản phẩm lụa từ tơ sen tới với nhiều đối tượng khách hàng hơn nữa và giúp các thợ làm nghề giảm được thời gian gia công hiện nay. 

Hệ thống vận hành máy được xây dựng mô phỏng theo các quá trình thực hiện lấy tơ sen thủ công của các nghệ nhân. Tính tới thời điểm hiện tại, máy lấy tơ sen do nhóm sinh viên phát triển đã có thể miết thành công sợi sen với hiệu suất gấp 5 - 7 lần so với làm thủ công, nhưng tỉ lệ miết chưa cao do nguyên liệu đầu vào không có tính đồng đều như nguyên liệu mẫu.

Hướng phát triển của nhóm là thời gian tới sẽ tiếp tục tính tới làm thêm hệ thống cấp phôi tự động, tức là chỉ cần đặt một bó sen với đủ kích cỡ các loại thân sen thì máy có thể tiếp nhận được hết. Cùng đó sẽ hoàn thiện bộ phận xoắn và miết tơ.

“Chúng em sẽ thử nghiệm và tính toán thêm xem tốc độ máy chạy như thế nào thì cho tơ sen ra nhiều nhất và không còn bị đứt”, thành viên nhóm sáng chế chia sẻ.

An An