Tìm hiểu thủ tục cấp bằng độc quyền sáng chế

(SHTT) - Mặc dù thủ tục cấp bằng độc quyền sáng chế giữa các cơ quan sáng chế là khác nhau nhưng có thể khái quát hóa theo các bước sau:

1. Nộp đơn:

Người nộp đơn có thể lựa chọn con đường nộp đơn, ví dụ, theo con đường quốc gia, khu vực hay quốc tế và tiến hành nộp đơn. Bước nộp đơn đầu tiên được gọi là nộp đơn để hưởng “quyền ưu tiên”, từ đó lần lượt nộp đơn quốc gia, khu vực hoặc quốc tế trong thời hạn hưởng quyền ưu tiên là 1 năm theo Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.

 

2. Thẩm định hình thức:

Cơ quan sáng chế phải đảm bảo rằng mọi thủ tục hành chính phù hợp, ví dụ, các tài liệu có liên quan đã có đủ trong đơn và các loại phí đã được nộp.

3. Tra cửu tình trạng kỹ thuật:

Ở nhiều quốc gia, nhưng không phải tất cả, cơ quan sáng chế tiến hành tra cứu tình trạng kỹ thuật, cụ thể là tình trạng kỹ thuật của tất cả các thông tin công nghệ có liên quan được công chúng biết đến tại thời điểm nộp đơn sáng chế. Bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu và thẩm định viên có năng lực trong lĩnh vực kỹ thuật cụ thể của đơn, “báo cáo tra cứu” được soạn thảo để so sánh các dấu hiệu kỹ thuật của sáng chế được yêu cầu bảo hộ với các dấu hiệu của giải pháp kỹ thuật đã biết.

4. Công bố đơn: 

Ở hầu hết các nước, đơn sáng chế được công bố sau 18 tháng kể từ ngày ưu tiên, nghĩa là sau ngày nộp đơn đầu tiên.

5. Thẩm định nội dung:

Nếu báo cáo tra cứu tình trạng kỹ thuật đã có sẵn, thẩm định viên sẽ kiểm tra xem đơn có đáp ứng các yêu cầu về khả năng bảo hộ độc quyền hay không, nghĩa là sáng chế có tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp hay không so với các giải pháp kỹ thuật được liệt kê trong báo cáo tra cứu. Thẩm định viên có thể đồng ý cấp bằng độc quyền sáng chế mà không yêu cầu việc sửa chữa nào, hay có thể thay đổi phạm vi của các điểm yêu cầu bảo hộ để phản ánh giải pháp kỹ thuật đã biết, hoặc từ chối bảo hộ.

 

6. Cấp bằng/từ chối:

Thẩm định viên có thể đồng ý cấp bằng độc quyền sáng chế mà không yêu cầu việc sửa chữa nào, hay có thể thay đổi phạm vi của các điểm yêu cầu bảo hộ để phản ánh giải pháp kỹ thuật đã biết, hoặc từ chối bảo hộ.

7. Phản đối:

Trong thời hạn nhất định, nhiều Cơ quan Sáng chế cho phép bên thứ ba phản đối việc cấp bằng độc quyền sáng chế với lý do rằng trên thực tế sáng chế không đáp ứng các điều kiện bảo hộ đối với sáng chế.

8. Khiếu nại:

Nhiều Cơ quan Sáng chế cho phép thủ tục khiếu nại sau khi thẩm định nội dung hoặc sau thủ tục phản đối đơn.

Minh Tuệ (Nguồn: Wipo.int)