FBI tiếp tục cảnh báo về sự tăng mạnh trong lừa đảo bằng thư điện tử

Tuần vừa qua, Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo hơn 7.000 doanh nhân Mỹ đã là nạn nhân của lừa đảo bằng thư điện từ trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2013 đến tháng tám năm 2015 và bị đánh cắp 748 triệu USD.

Đối với các nước ngoài Mỹ, khoảng 1.113 doanh nghiệp cũng là nạn nhân của xâm phạm thư điện tử (BEC) với số tiền bị đánh cắp khoảng 51 triệu USD.

FBI cảnh báo việc lừa đảo chủ yếu nhằm vào mục tiêu có hoạt động kinh doanh với đối tác cung cấp hàng hóa nước ngoài và những người sử dụng phương thức điện chuyển khoản qua ngân hàng.

Theo FBI thì tội phạm không gian mạng đã sử dụng các hộp thư điện tử bị hack để gửi yêu cầu đến ngân hàng hoặc những người có thẩm quyền ở các doanh nghiệp để yêu cầu chuyển tiền đến ngân hàng nước ngoài.

Đây là cảnh báo lần thứ hai của FBI trong năm nay, lần trước là vào tháng một đầu năm. Trong cảnh báo lần thứ nhất, FBI cho biết sở dĩ họ làm điều này vì số lượng nạn nhân và số tiền bị đánh cắp tăng đột biến.

Trong cảnh báo vào tuần vừa qua, FBI cho biết số vụ việc lừa đảo qua xâm phạm thư điện tử tiếp tục tăng và nhằm vào các doanh nghiệp ở tất cả các quy mô. Số lượng nạn nhân đã tăng 270% kể từ tháng Một năm 2015.

Kể tử tháng một năm nay, tội phạm công nghệ cao dường như đã sử dụng chiến thuật mới để đánh cắp thông tin nhạy cảm từ những người điều hành cấp cao của doanh nghiệp. Tội phạm công nghệ cao đã giả như là những người điều hành cấp cao đã liên lạc với luật sư, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp và nạn nhân đứng trước áp lực cần phải hành động nhanh hoặc giữ bí mật trong chuyển tiền. FBI cũng cảnh báo việc lừa đảo thường diễn ra vào ngày làm việc cuối cùng của tuần.

Một chiến thuật khác cũng được tội phạm công nghệ cao sử dụng là gửi các thư điện tử lừa đảo từ các hãng cung cấp hàng hóa yêu cầu doanh nghiệp thanh toán đơn hàng thông qua một tài khoản khác.

FBI cũng đưa ra một số khuyến nghị cho doanh nghiệp để tránh mình trở thành nạn nhân của lừa đảo như thiết lập các hệ thống phát hiện thư giả mạo và đánh dấu để dễ nhận biết. Chẳng hạn, nếu thư điện tử hợp pháp có địa chỉ là abc_company.com thì sẽ đánh dấu thư giả mạo khi nó đến từ địa chỉ abc-company.com.

Tương tự, FBI cũng khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tất cả các tên miền giống như tên của doanh nghiệp và áp dụng cơ chế nhận thực hai bước để xác nhận sự thay đổi của đối tác hoặc địa chỉ của đối tác cung cấp hàng hóa.