Nhật Bản hỗ trợ TP Hồ Chí Minh công nghệ xưởng cực tiểu trong phát triển vi mạch

Chiều 15-9, tại UBND TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) và Tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu (Minimal Fab Development Association hay viết tắt là Minimal) về chương trình hợp tác nghiên cứu và cải thiện công nghệ tiên tiến liên quan đến xưởng cực tiểu (Minimal Fab).

Đây là một trong những vấn đề được UBND TP Hồ Chí Minh đặt hàng trong Chương trình phát triển Công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020.

Theo đó, Nhật Bản đồng ý đào tạo kỹ sư nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tại Nhật Bản, đồng thời chuyển giao các công nghệ về Minimal Fab cho Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Ngô Đức Hoàng, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu mô hình Xưởng cực tiểu phù hợp với tình hình phát triển khoa học và công nghệ thế giới hướng tới ứng dụng tại Việt Nam”, bên cạnh các chính sách phát triển nền công nghiệp vi mạch theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt thì việc phát triển mô hình xưởng cực tiểu trong nghiên cứu và phát triển vi mạch mang lại những lợi ích như: Tổng mức đầu tư nhỏ (chỉ dưới 5 triệu USD/dây chuyền chế tạo cơ bản); Đáp ứng tối đa cho các nhu cầu về nghiên cứu, đào tạo, phát triển sản phẩm vi mạch điện tử của trường, viện, doanh nghiệp; Khả năng mở rộng quy mô linh hoạt từ nghiên cứu công nghệ đến sản xuất hàng loạt; Đáp ứng nhu cầu sản xuất chip đặc thù cho quân sự, an ninh quốc phòng…

Dự kiến, tới năm 2017, Tổ hợp nghiên cứu sẽ phối hợp xây dựng một dự án chung chế tạo một mẫu linh kiện MEMS tạo tiền đề cho các hoạt động nghiên cứu phát triển vi mạch lớn hơn trong tương lai.