Chip SG8V1 của VN được dùng vào thiết bị chống cáu cặn và rỉ sét

SG8V1 – chip vi điều khiển đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (ICDREC) – đã được ứng dụng vào giải pháp và thiết bị xử lí cáu cặn và rỉ sét Scale Doctor do Công ty TNHH Hozentech sản xuất.

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC đã chia sẻ với các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM như vậy tại hội thảo “Giới thiệu công nghệ và thiết bị xử lý cáu cặn và rỉ sét ứng dụng chip Việt Nam” vào ngày 27-11.

Scale Doctor là thiết bị xử lí nước điện tử đầu tiên tại Việt Nam. Trước đây thiết bị sử dụng chip ngoại nhập, nhưng từ năm 2015 sau khi chip SG8V1 được thương mại hóa, Hozentech đã chuyển sang sử dụng chip SG8V1. Theo phía Hozentech, chip SG8V1 hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về giá cả và mức độ ổn định sau một quá trình kiểm tra chất lượng gắt gao.

Theo kỹ sư Lê Trung Hiếu của Công ty Hozentech, với chip SG8V1 Hozentech sẽ phát triển thêm một số chức năng khác dựa trên các tính năng chưa khai thác hết của chip SG8V1 nhằm cải tiến thiết bị Scale Doctor, như tính năng thu thập dữ liệu báo cáo và điều khiển từ xa.

Thiết bị Scale Doctor sẽ thay thế hoàn toàn hóa chất chống cáu cặn cho hệ thống làm lạnh, giúp tiết kiệm từ 20-25% năng lượng tiêu hao.

Thiết bị xử lí cáu cặn và rỉ sét được sử dụng nhiều tại các lò hơi (boiler), tháp làm mát (cooling tower), máy làm lạnh (chiller), bộ trao đổi nhiệt (heat exchanger) khá phổ biến tại các doanh nghiệp sản xuất. Các thiết bị này thường sử dụng nước cứng có nhiều ion như canxi, magiê… nên sau một thời gian sử dụng đều đóng một lớp cáu cặn trong thành thiết bị. Theo thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ thì cáu cặn tăng 0,8mm thì chi phí năng lượng sẽ tăng thêm 8,5%.

Hiện Hozentech đang là đối tác của hơn 200 doanh nghiệp trong cả nước.

Theo thạc sĩ Ngô Đức Hoàng – Giám đốc ICDREC, tính đến sản phẩm Scale Doctor thì chip Việt của ICDREC đã đi vào 43 sản phẩm trong đó có nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa. “Còn một số sản phẩm đã đưa chip Việt vào nhưng việc thương mại hóa chưa được thuận lợi. Chúng tôi mong rằng Nhà nước có những chính sách hỗ trợ các sản phẩm công nghệ Việt, trong đó có chip Việt để đi vào cuộc sống”, thạc sĩ Hoàng cho biết.