Bị gắn mác nguy hiểm toàn cầu nhưng người dùng Việt vẫn phát cuồng vì ứng dụng FaceApp

(SHTT) - Những ngày gần đây, bất chấp những lời cảnh báo từ các cơ quan an ninh mạng hàng đầu trên thế giới, cư dân mạng Việt Nam vẫn đang "phát cuồng" vì ứng dụng FaceApp, một phần mềm biến đổi hình ảnh người dùng thành các khuôn mặt khi về già.

Ứng dụng FaceApp trên thực tế đã ra đời từ năm 2017 với các chức năng như biến hình ảnh của người dùng thành các khuôn mặt trẻ hơn, già hơn hoặc thay đổi giới tính và một số chức năng photoshop đơn giản khác, nhưng vào thời điểm đó, nó không hề gây được sự chú ý. 

Phải tới khoảng 2 tuần trở lại đây FaceApp mới chính thức quay trở lại và bỗng dưng trở thành cơn sốt đối với giới trẻ trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Rất nhiều ngôi sao lớn trên thế giới cũng không thoát khỏi sức hút của cơn sốt FaceApp. 

Theo thống kê, đã có hơn 100 triệu người dùng tải FaceApp trên Google Play và trở thành ứng dụng được xếp hạng hàng đầu trên App Store iOS tại 121 quốc gia.

Trên thực tế, để sử dụng được ứng dụng này, người dùng phải chấp nhận các điều khoản sử dụng và FaceApp sẽ được phép truy cập vào một số thông tin có trong thiết bị.

 FaceApp là một ứng dụng chỉnh sửa ảnh nhờ công nghệ AI.

Điều khoản của FaceApp được ghi rõ như sau:

Khi đồng ý, bạn đã cấp cho FaceApp một giấy phép vĩnh viễn, không thể hủy ngang, không giới hạn, miễn phí bản quyền, hợp lệ trên toàn thế giới, giấy phép phụ có quyền chuyển nhượng, tái bản, sửa đổi, điều chỉnh, xuất bản, dịch, tạo các sản phẩm phái sinh, phân phối, đăng tải công khai nội dung người dùng của bạn cùng với bất kì thông tin tên tuổi, ảnh chân dung đi kèm dưới bất kì dạng thức hiển thị nào mà không phải bồi thường. Khi bạn chia sẻ nội dung người dùng thông qua ứng dụng của chúng tôi, bạn cần hiểu rằng nội dung đó cùng những thông tin liên quan như tên, ảnh chân dung, thông tin vị trí... được hiển thị công khai.

Theo Forbes, khi chấp nhận các điều khoản và truy cập vào ứng dụng, các dữ liệu hình ảnh của khách hàng sẽ tồn tại mãi mãi trên máy chủ Amazon ở Mỹ, còn quyền sử dụng dữ liệu lại được FaceApp toàn quyền quyết định. Mặc dù không hẳn tên và ảnh chân dung của bạn sẽ được gửi đến các cơ quan chính phủ của Nga, nhưng điều này vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, theo lời ông Peter Kostadinov từ website PhoneArena.

''Khuôn mặt của bạn có thể sẽ được xuất hiện đâu đó trên bảng quảng cáo ở Moscow. Bên cạnh đó, chúng cũng sẽ được dùng để huấn luyện các thuật toán nhận diện khuôn mặt của AI", ông Peter Kosstadinov cho biết.

Điều quan trọng đó là, FaceApp ngoài việc có thể truy cập kho dữ liệu hình ảnh của người dùng có trong thiết bị, nó còn có thể đi vào hệ thống Siri và phần tìm kiếm của thiết bị. Vậy nên, theo các chuyên gia bảo mật, ngay cả khi người dùng đã tắt ứng dụng FaceApp, thiết bị của họ vẫn có thể đang ứng dụng này truy cập vào các dữ liệu cá nhân.

 Chức năng chỉnh sửa của FaceApp rất đa dạng từ việc thay đổi kiểu tóc, biểu cảm gương mặt tới việc thay đổi hình ảnh theo độ tuổi.

Trong một tuyên bố do các phương tiện truyền thông đăng tải, đại diện của FaceApp phủ nhận việc bán hoặc chia sẻ dữ liệu của người dùng cho các bên thứ ba.

"99% người dùng không đăng nhập. Vì vậy, chúng tôi không có quyền truy cập vào bất kỳ dữ liệu nào có thể nhận dạng một người. Hầu hết hình ảnh đều bị xóa khỏi máy chủ trong vòng 48 giờ kể từ ngày tải lên"- TechCrunch dẫn lời đại diện của FaceApp.

Dù nhóm nghiên cứu và phát triển của công ty sở hữu FaceApp được đặt tại Nga nhưng theo đại diện của FaceApp, dữ liệu người dùng "không được chuyển về Nga".

Mai An