Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp: Kiến thức cần thiết dành cho các doanh nghiệp

(SHTT) - Để được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thì đối tượng cần đảm bảo tính mới, khả năng áp dụng công nghiệp và tính sáng tạo. Dưới đây là những kiến thức cần thiết dành cho các doanh nghiệp.

Vào sáng ngày 5/7, Hội thảo Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam đã được diễn ra thành công với sự góp mặt của các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lãnh đạo các doanh nghiệp.

Hội thảo được tổ chức bởi WIPO - Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam VIPA phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ IP Việt Nam, Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế INTA.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định Kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ đã có bài thuyết trình về Bảo hộ hình dáng bên ngoài của sản phẩm: Đăng ký kiểu dáng công nghiệp. 

Toàn cảnh Hội thảo Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam

Theo đó, những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp là: Đối tượng có hình dáng bên ngoài do đặc tính kỹ thuật bắt buộc phải có; Hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp; Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng.

Để được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thì đối tượng cần đảm bảo tính mới, khả năng áp dụng công nghiệp và tính sáng tạo.

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

Tuy nhiên kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày công bố trong các trường hợp sau: Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyề đăng ký kiểu dáng công nghiệp; Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học; Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký trưng bày tại triển lãm quốc gia, triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Về tính khác biệt đáng kể, theo khoản 2 điều 65 luật SHTT, hai kiểu dáng công nghiệp được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.

Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là mới nếu có ít nhất một đặc điểm tạo dáng cơ bản không có mặt trong tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đối chứng.

Về tính sáng tạo, theo điều 66 luật SHTT, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng, căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã bộc lộ công khai trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

Trường hợp kiểu dáng công nghiệp không có tính sáng tạo: Là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết; Sao chép đơn thuần hình dáng các sản phẩm, công trình nổi tiếng; Sao chép/mô phỏng hình dáng vốn có của cây cối, hoa quả, động vật; Mô phỏng hình dạng của các hình học đơn giản; Mô phỏng kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực khác, nếu sự mô phỏng đó đã được biết đến rộng rãi.

Theo điều 67 luật SHTT, kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Hương Mi