Bảo hộ nhãn hiệu: Giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt

(SHTT) - Nông sản Việt hiện đang ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, cả trong nước và quốc tế. Một trong những giải pháp giúp nâng cao giá trị nông sản chính là việc bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Việt Nam luôn đứng trong top đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh các nông sản đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế thì còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước cũng như gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Một trong những trở ngại khiến việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam trở nên khó khăn là do quy mô sản xuất ngành nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm chưa có chất lượng cao, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.

 Bảo hộ nhãn hiệu: Giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt

Nhiều sản phẩm khi về địa phương mới biết đó là sản phẩm truyền thống. Thương hiệu đã có nguồn gốc xuất xứ rất rõ ràng, nhưng do không làm tốt việc đăng ký bảo hộ, đặc biệt là thiếu sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương nên mất đi tính đặc trưng. Nếu thực sự chủ động và quan tâm đến vấn đề này, các địa phương có thể làm rất mạnh việc xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm theo quy trình làm thương hiệu, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, tên của sản phẩm theo địa phương và tuyên truyền quảng bá.

Từ những thực tế trên có thể thấy, tình trạng chung của nông sản Việt Nam hiện nay là chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu dẫn đến năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp.

Vì vậy để nâng cao hiệu quả quản lí và sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng hệ thống pháp lý ở cấp độ quốc gia và cần có hướng dẫn chung trong quản lý chỉ dẫn địa lý; hình thành các quy định về kiểm soát chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó cần hỗ trợ, thúc đẩy chỉ dẫn địa lý trên thị trường thông qua việc xây dựng các dấu hiệu nhận diện chung đối với chỉ dẫn địa lý (logo quốc gia); giới thiệu nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy hình thành các kênh phân phối đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy kiểm soát thị trường, xử lí vi phạm.

Ngoài ra, cần xây dựng mô hình tổ chức quản lý phù hợp với đặc trưng về điều kiện sản phẩm; về quy mô và phạm vi sản xuất, chế biến, đối tượng tham gia và hoạt động sản xuất, chế biến, định hình rõ ràng, chất lượng, nguồn gốc, dấu hiệu nhận diện quy trình; linh hoạt trong việc sử dụng các tổ chức tập thể (hiệp hội/hợp tác xã); Xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý hợp lý, hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý gắn với chuỗi giá trị....

Hải Vân