Trung Quốc thu hồi há cảo nhiễm vi rút tả lợn châu Phi

(SHTT) - Một công ty thực phẩm chuyên sản xuất há cảo đông lạnh tại Trung Quốc đã phát hiện ra một lô hàng nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi và ngay sau đó đã phát đi thông báo thu hồi khẩn cấp đối với các sản phẩm liên quan.

Ngày 18/2 vừa qua, Công ty thực phẩm Tam Toàn, trụ sở tại tỉnh Hà Nam thuộc miền trung Trung Quốc, đã cho thu hồi các sản phẩm há cảo nghi chứa thịt nhiễm bệnh tả, theo AFP.

 

Tam Toàn, một trong những hãng sản xuất há cảo hàng đầu Trung Quốc, cho biết các lô há cảo nghi nhiễm khuẩn đã được giao cho các cửa hàng bán lẻ song sau đó đã bị niêm phong.

Công ty cho biết hiện đang hợp tác với chính quyền địa phương trong một cuộc điều tra về các báo cáo trên. Họ không xác nhận hay phủ nhận những kết quả này.

Sủi cảo là món ăn khá phổ biến tại Trung Quốc. 

Trước đó, trang Tin tức Bắc Kinh cũng đã thông tin về việc hàng chục sản phẩm của nhiều công ty thực phẩm khác ở tỉnh Cam Túc cũng bị phát hiện chứa thịt nhiễm vi rút ASF.

Vụ việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ cho người tiêu dùng Trung Quốc sau hàng loạt bê bối về thực phẩm bẩn, bất chấp chính phủ liên tục cam kết tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kể từ khi ca nhiễm vi rút ASF đầu tiên được phát hiện vào tháng 8.2018, Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bùng phát trên diện rộng.

Mới đây, trong cuộc họp chiều ngày 19/2, Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết đã phát hiện và hoàn thành xử lý 2 ổ dịch ghi nhận ở Hưng Yên tại hộ ông D.V.V (xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên) với 33 con lợn, chủ yếu là lợn con và hộ ông L.X.T (xã Yên Hòa, H.Yên Mỹ) với 101 con lợn con và lợn choai. Còn tại Thái Bình, ổ dịch được phát hiện tại một hộ chăn nuôi ở xã Đông Đô (H.Hưng Hà) với 123 con lợn.

Các nhân viên y tế địa phương tiến hành xử lý lợn dịch. 

Dịch tả lợn châu Phi lần đầu xuất hiện vào năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ. May mắn một số nước đã thanh toán được dịch bệnh này, tuy nhiên, như Tây Ban Nha phải mất 30 năm mà biện pháp quan trọng nhất chính là tiêu huỷ đàn lợn.

Việc lây lan chủ yếu là do vận chuyển sản phẩm thịt lợn bị nhiễm mầm bệnh. Bản thân chủng virus bệnh này lây lan rất chậm trong đàn lợn nhiễm bệnh, song lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi lại có tỷ lệ chết 100%. Đặc biệt, sau gần một thế kỷ phát hiện ra, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, vị này cho hay.

Khả An