Năm 2018, tin tặc khiến người Việt bị tổn thất bao nhiêu tiền?

(SHTT) - Theo kết quả từ chương trình đánh giá an ninh mạng do Tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện, tháng 12/2018, tổng thiệt hại do virus máy tính gây ra cho người Việt trong năm vừa qua đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử an ninh mạng khi con số tổng kết là 14.900 tỷ đồng.

Theo tính toán của đơn vị này, tổng giá trị thiệt hại do virus máy tính gây ra cho người Việt trong năm 2018 đã cao hơn 21% so với số liệu tổng kết được thực hiện trong năm 2017. 

Năm 2018, người Việt đã mất 14.900 tỷ đồng do virus máy tính. 

Cũng theo các thông tin từ nghiên cứu tổng kết của Bkav, chỉ trong năm 2018, hơn 1,6 triệu lượt máy tính tại Việt Nam bị mất dữ liệu. Bên cạnh đó, hơn 46% người sử dụng tham gia chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cũng cho biết, họ đã từng gặp rắc rối liên quan tới mất dữ liệu trong năm qua. 

Đối tượng bị tin tặc nhắm tới chủ yếu là các cơ quan, doanh nghiệp

Ngoài ra, các đối tượng như máy tính tại các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam bị nhiễm mã độc đào tiền ảo là hiện tượng được đánh giá xảy ra  khá phổ biến trong năm vừa qua khi 6/10 đơn vị gặp phải.

 Đối tượng bị tin tặc nhắm tới chủ yếu là các cơ quan, doanh nghiệp

Theo các chuyên gia của Bkav, nguyên nhân chính là do các cơ quan, doanh nghiệp chưa trang bị giải pháp diệt virus tổng thể, đồng bộ cho tất cả các máy tính trong mạng nội bộ. Do đó, chỉ cần một máy tính trong mạng bị nhiễm mã độc, toàn bộ các máy tính khác trong cùng mạng sẽ bị mã độc tấn công, lây nhiễm. Ngoài việc làm chậm máy, mã độc đào tiền ảo còn có khả năng cập nhật và tải thêm các mã độc khác nhằm xoá dữ liệu, ăn cắp thông tin cá nhân hay thậm chí thực hiện tấn công có chủ đích APT.

Những ẩn họa từ các mạng xã hội

 

Chuyên gia Bkav phân tích, kẻ xấu đã dùng các tài khoản Facebook với hình đại diện là các hotgirl xinh đẹp, sexy để comment vào các bài viết hoặc group đông người quan tâm. Các nội dung comment thường rất hấp dẫn, mời gọi như: “chat với em không”, “kết bạn với em nhé”, “làm quen nha anh”… Nếu tò mò bấm vào xem trang cá nhân của tài khoản “bẫy” này, nạn nhân có thể bị lừa mất tài khoản Facebook. Để phòng tránh, người dùng tuyệt đối không bấm vào đường link đến từ những người chưa tin tưởng. Ngay cả khi link được gửi từ bạn bè, người dùng cũng cần chủ động kiểm tra lại thông tin trước khi bấm xem.

Lỗ hổng an ninh mạng tăng đột biến về số lượng

Trong hai năm 2017 và 2018, số lượng lỗ hổng an ninh trong các phần mềm, ứng dụng được công bố tăng đột biến với hơn 15.700 lỗ hổng, gấp khoảng 2,5 lần những năm trước đó. Đặc biệt, nhiều lỗ hổng nghiêm trọng xuất hiện trên các phần mềm phổ biến như Adobe Flash Player, Microsoft Windows… và cả trong nhiều dòng CPU của Intel, Apple, AMD...

Thụy An