Hyundai, Kia bị kiện tập thể vì động cơ xe dễ cháy

(SHTT) - Một vụ kiện tập thể cáo buộc hãng Hyundai và Kia đã được đệ trình tại Mỹ. Nguyên nhân của vụ kiện này là do lỗi cháy tự phát của động cơ khiến người dùng có nguy cơ bị tai nạn, thương tích và thậm chí tử vong​

Đã có 350 lá đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các phương tiện của Hyundai và Kia bị ảnh hưởng được đệ trình lên Cục Quản lý An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) nêu chi tiết các sự kiện xe không va chạm nhưng động cơ đã tự phát cháy.

Nguyên nhân cháy được cho do thiếu dầu bôi trơn. Các phần động cơ không nhận được dầu bôi trơn đúng mực do lỗi sản xuất, khiến động cơ ngừng hoạt động trong lúc xe đang chạy. Nhiều lần xảy ra tình trạng này khiến thanh nối pit-tông với trục khuỷu trong máy bị gãy, gây thủng động cơ và gây cháy.

 

Một người đàn ông đến từ tiểu bang Georgia (Mỹ) cho biết anh đã mua chiếc Hyundai Sonata cho con gái của mình với lý do là nó khá an toàn, tuy nhiên vào ngày 18 tháng 11 năm 2018, động cơ của chiếc xe đã bốc cháy trong khi con gái của anh đang lái xe trên đường cao tốc, con gái anh tấp vào lề đường và nhanh chóng ra khỏi xe. Sau đó, kiểm tra cho thấy động cơ của xe đã gặp vấn đề ở miểng lót tay gen với trục khuỷu (cốt máy) dẫn đến gãy gen và đục một lỗ vào động cơ gây ra hỏa hoạn.

Danh sách các xe bị cáo buộc ảnh hưởng lỗi động cơ gồm:

  • Hyundai Sonata (2011-2019)
  • Hyundai Santa Fe và Santa Fe Sport (kiểu dáng tương tự SantaFe đời cũ tại VN nhưng bán ở Mỹ) (2013-2019)
  • Kia Optima (2011-2019)
  • Kia Sorento (2012-2019)
  • Kia Soul (2012-2019) và Kia Sportage (2011-2019)

Hai động cơ Theta II có liên quan:

  • Xăng (GDI) 4 xy-lanh thẳng hàng (I4) dung tích 2.0L tăng áp (twin-scroll turbo)
  • Xăng (GDI) 4 xy-lanh thẳng hàng (I4) dung tích 2.4L hút khí tự nhiên (N/A)

Vụ kiện còn đề cập tới chi tiết Quốc hội Mỹ từng được cảnh báo về nguy cơ an toàn từ những dòng xe trên. Chính phủ Mỹ từng yêu cầu Hyundai và Kia ra điều tra và trả lời các cáo buộc. Tuy nhiên, cả hai hãng xe Hàn đều không ra điều trần trước Quốc hội Mỹ như yêu cầu.

Minh Nhi